Thời gian này đang là cao điểm của mùa mưa lũ, thời tiết biến đổi thất thường, mực nước vùng lòng hồ không ổn định, khó khăn trong việc chăm sóc đàn cá nuôi và tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại đối với người nuôi trồng thủy sản. Nhằm hạn chế thiệt hại cho các hộ nuôi cá, huyện Mường La đã triển khai nhiều giải pháp, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân đảm bảo nuôi trồng thủy sản an toàn trong mùa mưa lũ.
Thành viên HTX Bình Minh (Chiềng Lao, Mường La) căng lưới phủ lồng cá để tránh gió bão.
Hiện nay, huyện Mường La duy trì 153 ha ao nuôi thủy sản và 960 lồng cá nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam có quy mô 250 lồng cá, còn lại là của các HTX và hộ dân, tập trung chủ yếu ở các xã: Mường Trai, Chiềng Lao, Pi Toong, Nậm Giôn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản từ đầu năm đến nay đạt 544 tấn. Để chủ động bảo vệ đàn cá nuôi trong mùa lũ, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 08/KH-PCTT và phương án số 07/PA-PCTT về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân trong mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp... Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân, HTX thủy sản trên địa bàn thực hiện các phương pháp chăm sóc, bảo vệ đàn cá nuôi theo nguyên tắc “4 định” (định chất lượng, định số lượng, định thời gian và định địa điểm); tu sửa, gia cố chắc chắn lại hệ thống lồng bè; thường xuyên cập nhật tình hình mưa lũ để kịp thời ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân. Hướng dẫn người dân điều chỉnh mật độ nuôi và lựa chọn giống cá nuôi phù hợp theo mùa vụ. Khuyến cáo bà con không ở lại chòi canh, không khai thác, đánh bắt thủy sản trong những ngày mưa lũ.
Các cơ quan chuyên môn của huyện đã phân công cán bộ về các xã kiểm tra, hướng dẫn các HTX và các hộ nuôi cá củng cố lại các dây neo; di chuyển lồng bè vào các nơi kín gió, dòng chảy nhẹ; vệ sinh lồng cá thường xuyên; sử dụng vôi bột để khử trùng môi trường nước, diệt tác nhân gây bệnh cho cá... Đối với ao nuôi cá, hướng dẫn bà con củng cố, tu bổ và kiểm tra bờ ao, bờ cống; chủ động xả nước trong ao đề phòng tràn bờ; rắc vôi để ổn định độ PH, giảm độ đục; ao cá ở các vùng trũng dễ bị ảnh hưởng mưa lũ nên tiến hành thu hoạch trước...
Thành lập năm 2016, HTX Bình Minh, xã Chiềng Lao hiện có 9 thành viên, quy mô sản xuất 54 lồng cá. Năm 2018, mưa lũ đã làm thiệt hại 7 lồng cá trắm cỏ của thành viên. Rút kinh nghiệm, hàng năm trước mùa mưa lũ, các thành viên HTX đã chủ động gia cố lại dây neo, kiểm tra lưới lồng đảm bảo chắc chắn, thường xuyên vệ sinh lồng cá và thăm lồng thường xuyên để kịp thời xử lý khi có vấn đề phát sinh.
Anh Cà Văn Siêng, Giám đốc HTX Bình Minh, cho biết: Từ kinh nghiệm nuôi cá lồng nhiều năm, để tránh bị thiệt hại, chúng tôi không đặt lồng cá ở những khu vực gần khe nước, khe suối; chủ động căng lưới, phủ lồng cá để tránh gió; thường xuyên căn chỉnh độ sâu của lồng phù hợp với mực nước. Đồng thời, chú trọng lựa chọn đàn cá giống tốt, cung cấp thức ăn đầy đủ để tăng sức đề kháng cho đàn cá nuôi; thường xuyên xử lý rác thải, thức ăn thừa trong lồng để cá không bị nhiễm bệnh. Nhờ vậy, từ năm 2019 trở lại đây, HTX không bị thiệt hại do mưa lũ, năng suất và chất lượng cá đảm bảo.
Gia đình anh Quàng Văn Hùng, bản Pá Mồng, xã Nậm Giôn, hiện có 19 lồng cá. Anh Hùng chia sẻ: Để đảm bảo lồng cá an toàn trong mùa mưa lũ, tôi đã mua thêm vật liệu hàn khung sắt thép; thay lưới cũ, rách bằng lưới mới; vệ sinh lồng cá 2 ngày/lần; thường xuyên kiểm tra độ ô nhiễm mực nước để xử lý kịp thời. Thời điểm này, gia đình không xuống giống lứa cá mới mà chủ động dự trữ thức ăn cho đàn cá nuôi.
Chủ động triển khai các biện pháp, sẵn sàng các phương án ứng phó trong mùa mưa lũ, giúp người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng đàn cá nuôi, góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trong huyện Mường La phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!