Được cán bộ xã Chiềng Muôn giới thiệu, chúng tôi đến Nong Quài, bản của bà con đồng bào dân tộc La Ha, để tìm hiểu kỹ hơn việc trồng và giữ rừng ở đây; dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà con luôn bảo nhau giữ rừng, trở thành một trong những địa phương có diện tích rừng được bảo vệ tốt của huyện Mường La.
Rừng thông bản Nong Quài, xã Chiềng Muôn (Mường La) được người dân bảo vệ và phát triển tốt.
Trong khi cùng cán bộ xã và mấy người dân trong bản đến khu rừng thông, chúng tôi được ông Quàng Văn Sơn, một lão nông có uy tín ở Nong Quài, kể lại: Nhiều năm trước, cũng như nhiều đồng bào dân tộc khác, người La Ha vẫn giữ tập quán du canh du cư, vào rừng chặt cây để làm nương. Nhưng từ năm 2005, nhận thức của bà con bắt đầu thay đổi khi được các cán bộ trên huyện và xã tuyên truyền, vận động các biện pháp bảo vệ rừng, không chặt phá rừng bừa bãi; lại được hướng dẫn cách chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng rừng thông... Nhờ sự đồng thuận của bà con, cả bản ngay trong năm đó đã trồng được 25 ha; đến năm 2009, sau khi được Nhà nước hỗ trợ đã trồng thêm 46 ha thông nữa, nâng tổng diện tích rừng thông lên 71 ha. Bây giờ thì cán bộ thấy đấy, cây thông sinh trưởng phát triển tốt lắm, màu xanh phủ khắp núi đồi của bản rồi.
Nong Quài hiện có 82 hộ của đồng bào dân tộc La Ha. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và huyện thông qua các chương trình, dự án... cơ sở hạ tầng nông thôn ở đây đã được xây dựng; đặc biệt, bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, cả bản duy trì trên 80 ha đất trồng ngô, lúa, sắn, 5 ha cỏ để chăn nuôi đại gia súc; nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi phần diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây ăn quả như: mận hậu, xoài, nhãn...; ngoài 71 ha rừng thông đã trồng, người dân Nong Quài còn được giao khoanh nuôi, bảo vệ hơn 900 ha rừng, đưa tổng diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng lên hơn 1.000 ha, bình quân hằng năm được chi trả gần 600 triệu đồng. Ông Quàng Văn Ngọc, Trưởng bản, cho chúng tôi biết thêm: Để bảo vệ tốt những cánh rừng, bà con trong bản thống nhất đưa nội dung bảo vệ rừng vào hương ước; hằng năm đều tổ chức cho các hộ ký cam kết bảo vệ rừng; bản cũng đã thành lập Tổ PCCCR, thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra, giám sát diện tích rừng, phát dọn đường băng cản lửa, hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm các quy định khi đốt nương, làm rẫy... nhờ thế, nhiều năm nay trong bản không còn tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy.
Được biết, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, việc thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cũng là một trong những yếu tố làm cho các thành viên trong cộng đồng bản thêm gắn kết, tự giác cùng nhau tham gia quản lý, bảo vệ tốt rừng. Theo đó, đối với diện tích rừng do các hộ trực tiếp quản lý sẽ được hưởng 100% phí chi trả dịch vụ môi trường rừng; đối với rừng cộng đồng do bản quản lý, trích 30% tổng số tiền để phục vụ cho công tác bảo vệ và PCCCR, 70% còn lại tiếp tục trích một phần hỗ trợ lực lượng tham gia tuần tra bảo vệ rừng... Cũng từ nguồn tiền này đã hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; bà con trong bản tự nguyện góp ngày công, họp bàn thống nhất phương án trích quỹ mua cát, sỏi, đá... hoàn thành 300 mét đường bê-tông giao thông nội bản.
Qua tìm hiểu việc trồng và giữ rừng ở Nong Quài, chúng tôi còn được biết thêm, từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, tỉnh và huyện, nhiều diện tích đất trống đồi trọc, đất trồng cây hoa màu năng suất hiệu quả kinh tế thấp không chỉ ở bản Nong Quài mà cả xã Chiềng Muôn đã được thay thế bằng thông, sơn tra và các loại cây ăn quả. Chiềng Muôn hiện có trên 5.567 ha đất lâm nghiệp có rừng (4.117 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng khác), độ che phủ rừng đạt trên 63%, đạt 114,5% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020. Cũng từ việc khoanh nuôi, bảo vệ tốt những cánh rừng, từ năm 2015 đến nay, Chiềng Muôn đã được chi trả gần 7 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, là nguồn hỗ trợ để người dân giữ rừng tốt hơn.
Tự hào bởi màu xanh của rừng, của những loại cây trái truyền thống phủ kín, đồng bào La Ha ở Nong Quài đang nỗ lực chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng rừng, trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi đại gia súc tập trung... tất cả nhằm mang lại những đổi thay hữu ích cho cuộc sống người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!