“Vua măng sặt” dưới đỉnh Sam Síp

Theo giới thiệu của cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, chúng tôi đến bản Ít, xã Nặm Păm, gặp ông Lường Văn Hặc, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng bản Ít, người tiên phong đưa cây sặt về trồng trên diện tích đất lâm nghiệp, vừa phủ xanh đất trống, lại tạo sinh kế cho người dân. Ông được bà con trong bản gọi là “Vua măng sặt” dưới đỉnh Sam Síp.

Ông Lường Văn Hặc, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ít (người ngồi giữa bên trái)

 kể về quá trình trồng cây sặt. 

Trồng sặt thoát nghèo

Dáng người cao gầy, nhìn ông Hặc trẻ hơn so với tuổi 63. Rót chén nước chè mời khách, ông Hặc kể về chuyện trồng cây sặt: Là con cả trong gia đình có 7 anh, chị em. Nhà đông con, nên việc học hành dang dở, hết lớp 9 rồi nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ việc nương rẫy, chăm sóc các em. Hồi đó, gia đình rất nghèo, tất cả chỉ trông chờ vào mấy nghìn mét vuông ruộng lúa và trồng ngô, sắn trên nương. Năm được mùa thì tạm đủ ăn, mất mùa ăn ngô, sắn, củ mài, măng rừng thay cơm. Để có đất sản xuất, nhiều diện tích rừng đã bị đốt, phá, nhưng cũng chỉ gieo trồng được vài vụ là đất bị bạc màu, rồi bị bỏ hoang.

Trăn trở tìm cây trồng để thoát nghèo, năm 1996, trong một lần vô tình cầm tờ báo đọc thấy có nơi trồng sặt lấy măng cho thu nhập cao. Tôi sực nhớ ngay trên nương của gia đình cũng có vài khóm cây này, mà trước đây, cụ thân sinh ra mình lấy nơi khác về trồng, thi thoảng lấy măng ăn. Thấy giống măng sặt sinh trưởng và phát triển tốt, tôi quyết định nhân giống ra trồng. Khi nghe tôi bảo trồng cây sặt, mọi người trong nhà đều khuyên đừng tốn công sức, tìm loại cây khác về mà trồng, vì măng sặt chưa trở thành hàng hóa. Nhưng thấy tôi quyết tâm, vất vả hàng ngày đào lấy gốc cây sặt vác lên đồi trồng, thế là cả nhà đều tham gia.

Mỗi năm trồng một ít, cứ thế từ một vài khóm, bây giờ gia đình ông có hơn 3 ha sặt. Năm 2010, gia đình ông bắt đầu khai thác măng sặt đem xuống chợ huyện bán. Măng sặt ăn giòn, ngọt và ngon, thu được đến đâu, bán hết đến đó, từ bán măng sặt đã giúp gia đình có thêm điều kiện nuôi các con học hành. Chỉ tính riêng vụ măng sặt vừa rồi, gia đình ông thu gần 10 tấn măng, thu trên 150 triệu đồng. Thấy gia đình ông trồng sặt lấy măng có thu nhập cao, nhiều hộ trong bản đã đến xin giống về trồng. Đến nay, cả bản có 135 hộ thì có tới 130 hộ trồng sặt, nhà ít cũng có 1.000 m2, nhiều vài ha. Nhờ trồng sặt lấy măng, cùng với tích cực áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ trong bản đã có thu nhập ổn định, cả bản chỉ còn 20 hộ nghèo.

Đặc sản của núi rừng

Ông Hặc dẫn chúng tôi và các cán bộ Ban Quản lý khu rừng đặc dụng Mường La lên nương sặt. Trên nền đất ẩm, những cây sặt mọc sát nhau, cao gấp 2, 3 đầu người, ông Hặc bảo: Măng sặt cao 15-20 cm thì thu hoạch. Vụ măng sặt bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8, nhưng măng chính vụ và ngon nhất là vào tháng 3, 4. Mưa càng nhiều, măng mọc càng khỏe; đặc biệt, càng thu hoạch thường xuyên, măng càng mọc nhanh. Măng sặt dễ nhận biết, vì thân nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay cái, vỏ mỏng, màu xanh pha màu vàng, là một món ăn dân dã, ngon, dễ chế biến, có thể luộc chấm “chẳm chéo”, đập giập nấu với nước luộc gà, vịt, nướng trên than củi, hoặc lam cùng cá suối trong ống nứa, hay ngâm chua cay... ai thưởng thức một lần là nhớ mãi.

Mô hình trồng sặt lấy măng của gia đình ông Lường Văn Hặc.

Theo kinh nghiệm của ông Hặc, để có được những cây măng ngon thì phải dùng thuổng, cuốc khéo léo đào lấy cây măng còn nằm sâu trong lòng đất. Ngoài thu nhập từ tiền bán măng, nhiều người tới bản hỏi mua cây sặt với giá 1.000 đồng/cây nhưng tôi và các hộ chưa bán vì vẫn đang tiếp tục nhân giống để mở rộng diện tích.

Giữ màu xanh cho rừng

Để có được thành quả như hôm nay, ít ai hình dung được ông Hặc đã phải vất vả như thế nào. Hành trình suốt hơn 20 năm cõng từng bó gốc sặt lên đồi trồng, đổ không biết bao giọt mồ hôi, đường đồi dốc trơn, nhiều bận trượt chân ngã bầm dập cả người. Nhưng với quyết tâm thay đổi cuộc sống của chính bản thân mình và giữ màu xanh cho rừng, ông đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Dần dà những cây sặt của ông và cả bản cứ thế phủ dần kín trên những diện tích đất trống.

Không chỉ trồng măng sặt giỏi, ông Hặc còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp nhiều cho xã và bản. Năm 2018, sau khi thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, về bản ông được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng bản Ít. Để bảo vệ rừng, ông đã tổ chức họp bản và xây dựng quy ước, hương ước về quản lý bảo vệ rừng, hàng năm tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết không đốt phá rừng làm nương, không khai thác gỗ trái phép. Nếu hộ nào để xảy ra cháy rừng và vi phạm tùy mức độ ngoài bị xử phạt theo quy định của Luật Lâm nghiệp sẽ phải nộp phạt cho bản, mức phạt từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đây cũng là một trong những tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa hàng năm. Nhờ đó, gần 1.000 ha rừng được Nhà nước giao cho bản quản lý nhiều năm nay được bảo vệ tốt, không xảy ra đốt phá rừng làm nương.

Người dân bản Ít, xã Nặm Păm thu hoạch măng sặt.

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, nhận xét: Bản Ít là một trong những bản vùng đệm của Khu bảo tồn luôn chấp hành và thực tốt rất tốt các quy định của Luật Lâm nghiệp. Đặc biệt là vai trò của Phó Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng bản Ít, ông Lường Văn Hặc đã tích cực cùng với Ban quản lý bản tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện để nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân, nhất là chủ rừng, hộ nhận khoán rừng. Đồng thời, vận động, hướng dẫn các hộ dân trồng sặt lấy măng để có thêm thu nhập. Nhờ đó, người dân sống gần rừng, ngoài nguồn thu có được từ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có thêm nguồn thu từ măng sặt.

Câu chuyện ông Lường Văn Hặc suốt hơn 20 năm trồng sặt và tham gia giữ rừng, vận động bà con bản Ít làm theo để có thành quả như ngày hôm nay, thật khó có thể kể hết sự gian nan, vất vả mà ông đã trải qua. Cây sặt nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đều có, thậm chí quy mô còn lớn hơn nhiều so với bản Ít, nhưng việc phát huy được giá trị cây sặt trong việc tạo sinh kế và giữ màu xanh cho rừng như ở bản Ít thì không nhiều, càng đặc biệt khi biết bản Ít vốn không phải là quê hương của sặt, chỉ với một khóm sặt lấy ở nơi khác về trồng, dưới bàn tay của ông Hặc và các hộ trong bản, cây sặt đã sinh sôi, phát triển thành rừng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con.

Chia tay ông Hặc, nhìn gương mặt rạng ngời của ông và các thành viên trong gia đình có 4 thế hệ cùng chung sống, tôi càng thêm trân trọng về tấm gương giữ rừng, sống bằng nghề rừng như ông. Tin rằng, rừng sặt của bản Ít còn tiếp tục mở rộng, cây sặt dần sẽ phủ kín trên những diện tích đất trống của bản tạo “hàng rào xanh”, bảo vệ vững chắc cho khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Để rồi mỗi mùa măng sặt về, cuộc sống người dân nơi đây thêm no ấm, hạnh phúc hơn.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới