“Thủ lĩnh” Đoàn xã

Thiết kế lò đốt rác bằng thùng phi và lò đốt rác mi ni bằng gạch; Bí thư Đoàn xã tiên phong, gương mẫu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc về học tập và làm theo lời Bác năm 2019... Đó là vài nét phác thảo chân dung anh Lò Văn Bước, Bí thư Đoàn xã Mường Trai (Mường La).

Anh Lò Văn Bước (đứng giữa, hàng đầu) đoạt giải nhì Cuộc thi

“Xây dựng đề án, ý tưởng thanh niên chung tay bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2017”.

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Anh Bước có dáng người cao to, da ngăm đen, tác phong nhanh nhẹn, thân thiện, tâm huyết với công việc. Sinh năm 1984, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông về Hà Nội học nghề điện dân dụng điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng cộng đồng Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh Bước lại chọn về Mường Trai để góp sức xây dựng quê hương. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về kết quả các hoạt động Đoàn và mô hình kinh tế của gia đình, đặc biệt là công trình lò đốt rác do anh thiết kế đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Xây dựng đề án, ý tưởng thanh niên chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2017” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức, anh Bước cười khiêm tốn: Tôi chỉ luôn cố gắng góp sức nhỏ để xây dựng quê hương phát triển.

Câu chuyện của chúng tôi rôm rả hơn khi nói về sáng kiến làm lò đốt rác bằng thùng phi và xây dựng lò đốt rác bằng gạch của Bí thư Đoàn xã. Theo anh Bước, việc nảy ra ý tưởng làm lò đốt rác bằng thùng phi được bắt đầu từ việc ý thức xử lý rác thải của người dân trong bản Phiêng Xe (nay là bản Phiêng Hua Nà), nơi anh sinh ra và lớn lên còn hạn chế, rác thải đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, khi trời nắng ruồi, nhặng bâu đen, khi mưa xuống lượng rác thải theo dòng nước mưa chảy ra lòng hồ. Anh Bước rất trăn trở trước thực trạng này và đã nảy ra sáng kiến làm lò đốt rác bằng thùng phi cũ, vì gia đình nào trong bản cũng có thùng phi cũ đựng nước, hơn nữa nếu có mua mới thì giá thành cũng rẻ (khoảng 100 nghìn đồng/thùng). Thùng phi được cắt thủng hai đầu, bên trong có đặt tấm sắt đan để ngăn rác, khi đốt rác, tro sẽ rơi xuống dưới. Lò đốt rác này được kê lên trên bục xây hoặc trên đá xếp và có mái che, nên có thể đốt rác cả khi trời mưa. Hiện nay, trong xã có 3 gia đình sử dụng lò đốt rác này, đó là gia đình các ông: Lò Văn Nơi, bản Phiêng Hua Nà; Lường Văn Thủy, bản Cang Mường và Nhà nổi Mường Trai.

Cũng vẫn câu chuyện về lò đốt rác, anh Bước kể: Cuộc sống người dân trong xã khá lên, nhiều gia đình đầu tư xây dựng nhà ở, các bản xây dựng nhà văn hóa… Vì vậy, đã phát sinh gạch vỡ, gạch cũ, không ai sử dụng. Từ thực tế này, tôi có ý tưởng thiết kế, xây dựng lò đốt rác mi ni cố định bằng cách tận dụng số vật liệu trên. Ý tưởng này được xã ủng hộ và hỗ trợ kinh phí mua xi măng, cát, sỏi và sắt làm tấm đan ngăn rác trong lò, các đoàn viên thanh niên đảm nhiệm việc thi công. Với kinh phí 2 triệu đồng là có thể xây dựng được 1 lò đốt rác đáp ứng cho 10 hộ gia đình xử lý rác thải. Với cách làm trên, 3 lò đốt rác đầu tiên được xây dựng tại trụ sở xã, Trường Mầm non và Trường Tiểu học - THCS Mường Trai. Tôi mừng nhất là, sau khi các lò đốt rác hoạt động, ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong xã đã thay đổi rất nhiều, không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi nữa, góp phần không nhỏ cùng xã hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Hiện nay, lò đốt rác này đã được nhân rộng tại 8 bản trong xã và được Đoàn xã Chiềng Lao, Hua Trai ứng dụng trên địa bàn xã.

 

Anh Lò Văn Bước hướng dẫn các em  học sinh Trường Tiểu học - THCS Mường Trai (Mường La)

cách đốt rác tại lò đốt rác mini.

Khá kiệm lời khi nói về bản thân, nhưng anh Bước lại sôi nổi khi kể về phong trào của Đoàn xã. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, Đoàn xã Mường Trai hiện có 220 đoàn viên, sinh hoạt tại 10 chi đoàn bản. Nhiều năm qua, Đoàn xã đều được đánh giá là cơ sở Đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.  ĐVTN ở các bản luôn phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Để thu hút ĐVTN tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn, BCH Đoàn xã đã tổ chức nhiều hoạt động bề nổi, phù hợp với tuổi trẻ, như: Giao lưu văn nghệ, thể thao, từ đó thu hút ĐVTN tham gia và gắn bó với tổ chức Đoàn. Hằng năm, BCH Đoàn xã đưa ra ý tưởng tổ chức các hoạt động để ĐVTN các chi đoàn bàn bạc, thống nhất, tránh việc lặp lại các hoạt động, gây sự nhàm chán, dẫn đến không thu hút được ĐVTN tham gia. Đơn cử như: Trong hoạt động thể thao, mỗi năm sẽ chọn tổ chức giao hữu một trong các bộ môn: Đua thuyền, bóng đá, bóng chuyền, bắn nỏ... Đồng thời, chọn đoàn viên nhiệt tình, có năng khiếu ở từng bộ môn làm nòng cốt để tạo sự lan tỏa.

Cùng với đó, căn cứ vào tình hình thực tế của xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Đoàn xã nhận đảm nhiệm những khâu yếu, việc khó, như: Đảm nhận tuyến đường thanh niên tự quản; trồng cây hoa ban hai bên các tuyến đường nội xã, khu di tích lịch sử Pom Đồn; là lực lượng chủ chốt thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới của xã. Đặc biệt, phát huy vai trò xung kích trong phát triển kinh tế, các ĐVTN đã đi đầu trong việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần cùng xã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,86%. Điển hình như đoàn viên Cầm Văn Minh, Chi đoàn bản Lả Mường đầu tư nuôi cá trên lòng hồ; còn bản thân anh Bước, đang thành công với phát triển mô hình du lịch nhà nổi. Trong kết quả chung của Đoàn xã Mường Trai không thể không nhắc đến vai trò “đầu tầu” của Bí thư Lò Văn Bước.

 

Anh Lò Văn Bước hướng dẫn khách du lịch mặc áo phao trước khi tham quan, trải nghiệm lòng hồ.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình du lịch nhà nổi của gia đình, anh Bước chia sẻ: Tôi ấp ủ ý tưởng phát triển du lịch nhà nổi trên lòng hồ từ khi thực hiện di dân tái định cư để xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La. Khi nước dâng ổn định, tôi đi học hỏi kinh nghiệm của một số hộ trong huyện về cách xây dựng nhà nổi cùng các hoạt động kèm theo, tạo sự hấp dẫn với khách du lịch. Cuối năm 2017, tôi và anh trai quyết định vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển mô hình du lịch nhà nổi trên lòng hồ sông Đà tại bản Phiêng Hua Nà. Hiện nay, nhà nổi hoạt động khá tốt, những ngày cuối tuần, khách du lịch thập phương về đây tham quan, trải nghiệm khá đông.

Anh Bước mời chúng tôi lên chiếc du thuyền để đi tham quan, trải nghiệm lòng hồ. Giữa sông nước mênh mông trong xanh như ngọc bích, những ngọn núi hai bên lòng hồ đổ bóng xuống mặt hồ, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, khiến cho bất cứ ai được thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên này cũng sẽ có chung suy nghĩ: Tuyệt đẹp. Câu chuyện của chúng tôi quay trở lại với các hoạt động của nhà nổi Mường Trai. Ngoài phục vụ khách du lịch các món ăn truyền thống của dân tộc, như: Cá nướng muối ớt, gà nướng… Anh Bước đã kết nối với một số hộ dân trong xã đầu tư hai chiếc thuyền du lịch (chở từ 12 đến 60 người) và cải tiến các thuyền có sẵn để phục vụ các đoàn từ 6 đến 30 du khách tham quan, trải nghiệm lòng hồ. Trên hành trình đó, du khách được thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ; được thư giãn qua hình thức câu cá; chụp ảnh check-in, lưu lại phong cảnh thiên nhiên mà mình đang khám phá... Buổi tối, du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, cùng nắm tay trong vòng xòe đoàn kết và thưởng thức những chum rượu cần hòa quyện hương vị cay nồng, thơm, ngọt... mang đậm bản sắc dân tộc của vùng quê Tây Bắc... Có lẽ vì vậy mà mới đi vào hoạt động được 2 năm, nhưng nhà nổi đã thu hút khá đông khách thập phương vào những dịp cuối tuần.

 

Anh Lò Văn Bước giới thiệu với du khách nhà nghỉ cộng đồng của gia đình.

Được gặp, được trò chuyện, được chia sẻ những câu chuyện mà trong đó mang đậm sự khát khao cống hiến xây dựng quê hương giàu mạnh của Bí thư Đoàn xã Lò Văn Bước, chúng tôi thêm cảm phục chàng trai 36 tuổi đời, 12 năm tuổi Đảng ở vùng quê thuộc khu vực III. Anh Bước đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành về thành tích công tác Đoàn, Bằng khen trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; năm 2018, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, năm 2019, anh Lò Văn Bước được tham dự Chương trình gặp gỡ 500 đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác toàn quốc. Với anh Bước, đây là niềm tự hào, là động lực để anh tiếp tục phấn đấu, tiếp tục phát huy sức trẻ trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước thời kỳ hội nhập.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Chủ động phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Chủ động phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Alo 114 -
    Mộc Châu là huyện trọng điểm về phát triển du lịch, công tác bảo đảm phòng chống cháy nổ trên địa bàn luôn được Công an huyện quan tâm, triển khai nhiều biện pháp, gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
  • 'Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

    Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

    Khoa Giáo -
    Với phương châm “Lấy trẻ làm trung tâm” giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, Trường Mầm non Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.
  • 'Hiệu quả các hoạt động cứu trợ nhân đạo

    Hiệu quả các hoạt động cứu trợ nhân đạo

    Xã hội -
    Bằng nhiều hoạt động thiết thực, những năm qua, các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn huyện Thuận Châu đã phát huy vai trò nòng cốt, là “cầu nối” trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, khơi dậy lòng nhân ái trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.
  • 'Ghi ở Trạm Y tế xã Yên Sơn

    Ghi ở Trạm Y tế xã Yên Sơn

    Sức khỏe -
    Đến với Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, chúng tôi ấn tượng với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang sạch đẹp, khuôn viên rộng rãi; phòng khám, điều trị được bố trí thuận tiện, có biển chỉ dẫn rõ ràng; y, bác sĩ tận tình thăm khám cho nhân dân.
  • 'Tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính nhà nước

    Tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính nhà nước

    Cải cách hành chính -
    Thực hiện phương châm tăng cường công khai giải quyết thủ tục hành chính trên cả 3 phương diện: Thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí, tỉnh Sơn La đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhiều thủ tục hành chính được rút gọn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
  • 'Phù Yên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    Phù Yên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    Huyện Phù Yên có dân số trên 121 nghìn người, chủ yếu sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc thu hút, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, quyền lợi và lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân, gia đình.