Thuận Châu bảo vệ “lá phổi xanh”

Sau thời gian chịu áp lực từ tình trạng chặt phá rừng, khai thác tài nguyên trái phép, những cánh rừng ở Thuận Châu giờ đây đang có những đổi thay tích cực. Chính quyền và nhân dân cùng chung tay bảo vệ “lá phổi xanh”, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống.

Giọng nữ
Cán bộ Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR cùng cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu tuần tra rừng.

Thuận Châu hiện có gần 68.000 ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ đạt gần 44%; trong đó, có gần 26.500 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Do địa hình dốc, chia cắt sâu cùng với áp lực dân số vùng đệm đã tạo ra không ít khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, hậu quả của biến đổi khí hậu như nắng nóng kéo dài và băng tuyết từng xảy ra vào năm 2016 đã làm cây rừng chết dần, tạo ra khối lượng vật liệu dễ cháy lớn. Trong mùa khô, nguy cơ cháy rừng luôn là bài toán nan giải đối với các lực lượng chức năng.

Cùng với công tác bảo vệ rừng, Thuận Châu đã triển khai hàng loạt dự án phát triển rừng, trong đó có trồng rừng phòng hộ, thay thế và bảo tồn rừng đặc dụng. Điển hình như dự án trồng rừng thay thế tại xã Chiềng Bôm hay phục hồi rừng đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Mã. Các dự án không chỉ góp phần tăng độ che phủ rừng mà còn thúc đẩy kinh tế xanh cho địa phương. 

Nhân dân xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, trồng cây trám đen để trồng bổ sung, phục hồi rừng.

Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 26.500 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn các xã: Nậm Lầu, Bản Lầm, Mường Bám, Co Mạ, Long Hẹ, Chiềng Bôm của huyện Thuận Châu và Mường Giàng, Mường Sại của Quỳnh Nhai. Ban đã thực hiện ký hợp đồng khoán khoanh nuôi tái sinh với 7 cộng đồng bản trên địa bàn 3 xã Co Mạ, Chiềng Bôm, Nậm Lầu diện tích 500 ha.

Đồng thời, thực hiện rà soát, khảo sát, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế để thực hiện thiết kế mở mới 8 tuyến đường băng cản lửa PCCCR trên địa bàn lâm phần của đơn vị tại 4 xã Co Mạ, Chiềng Bôm, Long Hẹ, Nậm Lầu. Hỗ trợ 20 cộng đồng bản vùng đệm rừng đặc dụng với mức 40 triệu đồng/bản/năm, nội dung hỗ trợ theo nhu cầu của các cộng đồng chủ yếu là cây giống cây ăn quả… Ban đã phối hợp với các đơn vị thực hiện Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, mở ra hướng đi mới trong việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu, cho biết: Đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công ty TNHH Panasonic Việt Nam thực hiện trồng 5 ha rừng phòng hộ, gồm các loại cây lát hoa, lõi thọ với mật độ 1.600 cây/ha. Cùng với đó, đưa vào trồng 2 ha cây dược liệu bình vôi và thổ phục linh, không chỉ giúp bảo tồn đa dạng sinh học mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Các dự án trồng rừng gắn với chống biến đổi khí hậu như “Sống khỏe góp xanh” được đơn vị triển khai thực hiện cũng đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trên toàn quốc.

Việc triển khai các chương trình giao khoán bảo vệ rừng được huyện Thuận Châu triển khai hiệu quả. Đến nay, khoảng 4.181 ha rừng tại xã Chiềng Bôm và Co Mạ đã được giao khoán, giúp người dân có thêm thu nhập thông qua chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2024, tổng số tiền chi trả cho các cộng đồng hơn 8 tỷ đồng, hỗ trợ bảo vệ rừng trên 9 tỷ đồng; số tiền này đã giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống và nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện, UBND các xã, và các cộng đồng địa phương đã góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc gìn giữ tài nguyên thiên nhiên. Những cánh rừng thông mã vĩ, sơn tra hay lát hoa, lõi thọ đang từng ngày phủ xanh các khoảng đất trống.

Bản Lái, xã Chiềng Bôm, là một trong những điểm sáng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng của huyện Thuận Châu. Anh Lường Văn Món, Trưởng bản Lái, chia sẻ: Bản có 90 hộ dân, 444 nhân khẩu, tổ bảo vệ rừng có 24 thành viên. Năm 2024, bản nhận khoán bảo vệ gần 470 ha rừng, mỗi tháng, tổ bảo vệ rừng của bản đi tuần rừng ít nhất 3 lần. Chúng tôi còn cùng với cán bộ kiểm lâm địa bàn tuần tra rừng, giám sát hoạt động sản xuất nương rẫy, đề phòng cháy rừng. Đồng thời, tuyên truyền đến nhân dân trong bản trước khi đốt, dọn nương rẫy cũ phải làm đường cản lửa, gom gọn vật liệu cháy thành từng đống cách xa bìa rừng, thời gian đốt nương không vào giờ cao điểm nắng nóng, gió to.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn cùng dân quân xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, phát đường băng cản lửa.

Các cơ quan chuyên môn thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình biến động tài nguyên rừng, tăng cường tuần tra bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Mạnh Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thuận Châu, thông tin: Trong những tháng cuối năm, đơn vị tập trung tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng trong mùa khô, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và tiếp tục thực hiện chăm sóc, trồng mới rừng. Phân công 3 ca trực tại đơn vị, hằng ngày theo dõi, thông tin kịp thời các điểm cháy đến các xã, các chủ rừng và báo cáo cấp trên theo quy định.

Kiểm lâm địa bàn có mặt trực 24/24 giờ, phối hợp chặt chẽ với ban quản lý các bản tuyên truyền trên loa phát thanh nhắc nhở người dân phát đốt nương đúng giờ quy định, đúng hướng dẫn của ngành chức năng. Từ đầu năm đến nay, qua tuần tra kiểm soát, đã phát hiện 10 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử phạt hành chính trên 70 triệu đồng.

Công tác bảo vệ rừng tại Thuận Châu vẫn đang có những chuyển biến tích cực. Tinh thần, trách nhiệm của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của cộng đồng là nền tảng vững chắc để huyện  giữ vững "lá phổi xanh".

 

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới