Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường luôn được UBND tỉnh chú trọng, chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương siết chặt quản lý, kiểm soát, phòng ngừa sự cố môi trường.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Năm 2024, Sở đã kiểm tra 11 đơn vị theo kế hoạch, phát hiện 3 tổ chức có hành vi vi phạm; lập biên bản, trình cấp có thẩm quyền xử phạt trên 650 triệu đồng. Đồng thời, tăng cường thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong cấp, thu hồi giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện; giám sát và phối hợp giám sát quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đối với 11 cơ sở, trong đó, 5 cơ sở thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tiến hành xác minh 6 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường; xác minh, giải quyết kiến nghị về môi trường của nhiều hộ dân... Ban hành 12 văn bản xác minh, chỉ đạo xác minh thông tin phản ánh ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Tham mưu trình UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với Nhà máy Mía đường Sơn La, tại huyện Mai Sơn; Xưởng chế biến cà phê Cát Quế tại xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu. Thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với 7 cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung, như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Mai Sơn và Nhà máy mía đường Sơn La; Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La; hoạt động sơ chế, chế biến cà phê tươi trên địa bàn các xã Chiềng Ban, Chiềng Mai, huyện Mai Sơn và phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La.
Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La có Nhà máy chế biến cà phê tại bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, với công suất 15.000 tấn quả cà phê tươi/năm và xưởng chế biến cà phê thóc - cà phê nhân tại phường Quyết Tâm, công suất 20.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty, chia sẻ: Nhà máy có hệ thống xử lý nước thải, sử dụng nước hồi lưu tiết kiệm trong sơ chế; sử dụng vỏ trấu cà phê để làm nhiên liệu sấy và có công nghệ lọc khói bụi trước khi thải ra môi trường.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đã hạn chế đáng kể các sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong bảo vệ môi trường chưa thực sự đồng bộ, chưa chặt chẽ. Chính quyền cấp xã, thị trấn chưa tập trung kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ngày 25/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1873 về việc tổng rà soát, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành tổng rà soát, đánh giá các cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh nước thải, khí thải, chất thải rắn; các tổ chức, cá nhân hoạt động tiếp nhận, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; các khu vực, địa điểm có dấu hiệu ô nhiễm như khu vực tập trung các nhà máy chế biến nông sản, cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn; các ao hồ, sông; làng nghề, khu công nghiệp; khu vực khai thác khoáng sản...
Trên cơ sở kết quả tổng hợp, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường theo từng đối tượng, địa điểm, khu vực để xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định, hoàn thành trước ngày 30/5/2025. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm, các đơn vị phải chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định; theo dõi, thường xuyên trao đổi dữ liệu kết quả quan trắc và cảnh báo môi trường trên địa bàn tỉnh cho Công an tỉnh để theo dõi, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm có liên quan.

Công an tỉnh Sơn La phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương rà soát, nắm tình hình các tổ chức, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ thẩm định, cấp phép tư vấn, quan trắc, vận hành, quản lý, phân bổ nguồn lực... về bảo vệ môi trường để phục vụ công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm (nếu có). Đồng thời, tiến hành điều tra nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng nếu có, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá, kịp thời xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, thuế và các lĩnh vực liên quan của các cơ sở, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường tại địa phương, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp về môi trường.
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh sẽ chuyển biến, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!