Trong quá trình đô thị hóa và các hoạt động phát triển năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng môi trường không khí. Xuất phát từ thực tiễn, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về quản lý chất lượng môi trường không khí để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ chất lượng môi trường không khí trên toàn tỉnh.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Với chức năng cơ quan chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý tài nguyên, môi trường, Sở đã xây dựng ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các chủ sản xuất, kinh doanh thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; rà soát, thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường. Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở truyền dữ liệu quan trắc tự động về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát các dự án thực hiện quan trắc tự động, liên tục.
Hiện nay, toàn tỉnh có 6 cơ sở đã truyền dữ liệu quan trắc tự động về Sở TN&MT, gồm: Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy xử lý nước thải thành phố Sơn La, Nhà máy tinh bột sắn BHL, Nhà máy xử lý nước thải huyện Mộc Châu (02 trạm quan trắc). Trung tâm quan trắc tài nguyên và Môi trường triển đã hoàn thành báo cáo kết quả quan trắc 4 đợt năm 2023. Kết quả cho thấy môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu bởi 2 thông số tiếng ồn và bụi tập trung tại các khu vực có mức độ ô nhiễm cao tập trung chủ yếu tại các khu vực gần đường giao thông, bến xe, cổng bệnh viện.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT còn chủ động tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho lĩnh vực quản lý chất lượng không khí. Khuyến khích các chủ dự án đầu tư nghiên cứu, áp dụng các mô hình xử lý môi trường tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; tăng cường tái chế các phụ phẩm nông nghiệp; nghiên cứu và thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý chất thải hữu cơ tại chỗ để áp dụng tại các gia đình...
Toàn tỉnh có 266 trang trại chăn nuôi xử lý chất thải bằng bể biogas; đối với chăn nuôi nông hộ đã xây dựng được 3.048 công trình xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas; 196 hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, ủ phân bằng men vi sinh.
Nhà máy chế biến đường của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La có công suất 5.000 tấn mía/ngày. Hạn chế tác động bụi tro từ đốt bã mía, Nhà máy đã lắp đặt các công trình xử lý khí thải, gồm: 2 mương dẫn khói, 2 tháp dập bụi, 2 tháp khử nước, 2 quạt hút, ống khói; 1 bể thu gom nước dập bụi; 1 hệ thống lọc tro chân không.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, cho biết: Việc xử lý tro bụi được phun qua hệ thống nước và được lọc qua bể lọc tro. Biện pháp này cho phép lọc được từ 85-95% bụi mịn. Khí thải sau khi xử lý sẽ được thải ra môi trường qua ống khói cao 30m. Kết quả các đợt quan trắc khí thải từ năm 2022 đến nay cho thấy, tại vị trí quan trắc mẫu khí thải, các thông số phân tích đều nằm trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2009/BTNMT về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ.
Kiểm soát ô nhiễm không khí lĩnh vực vận tải cũng được ngành Giao thông vận tải thực hiện kiểm định về môi trường gần 32.000 phương tiện vận tải đường bộ, hơn 2.600 phương tiện vận tải đường thủy... Đảm bảo phương tiện vận chuyển nguyên, vật liệu, chất thải cơ bản được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường; các doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường bộ đã triển khai giải pháp để ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải...
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, Sở TN&MT tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh, làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh, cải thiện chất lượng môi trường không khí, đảm bảo sức khỏe cộng đồng...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!