Từ năm 1979 trở về trước, huyện lỵ Mường La đóng tại xã Chiềng An, thuộc hữu ngạn sông Đà và cách thị xã Sơn La chưa đầy 1 km. Trong khi đó, các xã còn lại của huyện chủ yếu nằm ở tả ngạn sông Đà, giao thông vào thời kỳ này hết sức khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đầu năm 1979, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, huyện Mường La đã chuyển 9 xã về thị xã Sơn La (nay là thành phố Sơn La) và huyện Mai Sơn; đồng thời, di chuyển huyện lỵ về xã Ít Ong, đến tháng 1/2007, thị trấn Ít Ong được thành lập.
Nhiều lao động nông nghiệp ở thị trấn Ít Ong
được tuyển dụng làm công nhân tại Công ty cổ phần may Mường La.
Ông Phạm Đức Huynh, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Khi chuyển về địa điểm mới, kinh tế của thị trấn Ít Ong chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, năm 1980, sản lượng lương thực có hạt chưa đến 600 tấn; một số nghề thủ công cũng chỉ duy trì việc sản xuất gạch, ngói, vôi, mộc và rèn; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, cả thị trấn không có đến 20 km đường liên bản, liên xã ô tô có thể đi lại được. 40 năm qua, thị trấn Ít Ong đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, từng bước xây dựng thị trấn trở thành đô thị năng động, xứng đáng là trung tâm hành chính, chính trị của huyện Mường La. Đặc biệt là giai đoạn từ năm 2005 đến nay, sau khi Quốc hội, Chính phủ lựa chọn địa điểm xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La tại bản Hua Lon, đã tạo cơ hội đột phá để thị trấn Ít Ong phát triển đồng bộ về mọi mặt.
Nắm bắt thời cơ, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cấp ủy, chính quyền thị trấn đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thị trấn Ít Ong gắn với liên kết vùng. Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, theo hướng mở rộng thương mại, dịch vụ, thu hút đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX phát triển; liên kết sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng cây ăn quả chất lượng cao, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; hình thành các trung tâm thương mại, chợ trung tâm, phát triển kinh doanh dịch vụ, nhất là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La, tắm suối nước nóng các bản Hua Ít, Hua Nà. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khôi phục và phát triển nghề thủ công: Dệt thổ cẩm, đan lát...; triển khai các chương trình khuyến công, mở rộng các cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng, cơ khí, sửa chữa máy móc, sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, may mặc... tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn.
Một góc thị trấn Ít Ong hôm nay.
Có thể khẳng định, sau 40 năm chuyển về địa điểm mới, từ một trung tâm huyện lỵ còn nhiều khó khăn, thị trấn Ít Ong đã phát triển thành một đô thị phát triển năng động, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến nay, thương mại, dịch vụ chiếm trên 40%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 10%, nông nghiệp gần 50%; trên địa bàn có gần 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, hàng trăm cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp; nhiều loại hình dịch vụ mới, như vận tải đường bộ, đường thủy, công nghệ thông tin, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng... phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn và cung cấp cho các địa phương trong huyện. Năm 2018, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ đạt trên 100 tỷ đồng, sản lượng lương thực có hạt gần 2.000 tấn, tăng gần 3,5 lần so với năm 1980; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt gần 100 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Huynh, Chủ tịch UBND thị trấn, cho biết thêm: Trong định hướng phát triển những năm tiếp theo, thị trấn Ít Ong tập trung đầu tư nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, du lịch, tăng giá trị hằng năm từ 8-10%; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp... phấn đấu đến năm 2020, bình quân thu nhập đạt 36 triệu đồng/người/năm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!