Trở lại xã Hát Lót (Mai Sơn) lần này, điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là tuyến đường trục chính của xã và các tuyến đường nội bản, nội tiểu khu, liên bản đã được bê tông hóa.
Đường về bản Nà Cang, xã Hát Lót (Mai Sơn) đã được bê tông hóa.
Hai bên đường là những ngôi nhà xây kiên cố, những phiêng bãi, sườn đồi trải dài màu xanh của mía, nhãn ghép, bưởi diễn, bưởi da xanh đang sai trĩu cành... tạo nên một diện mạo mới cho vùng quê nơi đây.
Tại trụ sở UBND xã Hát Lót, trong câu chuyện về hành trình xây dựng nông thôn mới của xã, anh Đào Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã vui mừng thông tin: Đến thời điểm này, xã Hát Lót đã đạt 16/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, còn 3 tiêu chí chưa đạt, đó là: Hệ thống chính trị, môi trường và an ninh trật tự. Theo kế hoạch đến cuối năm 2018, xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiệm vụ này đang được cấp ủy, chính quyền xã và nhân dân đồng thuận vào cuộc để “cán đích” nông thôn mới đúng kế hoạch.
Qua trò chuyện với Chủ tịch UBND xã, được biết, trong hành trình xây dựng nông thôn mới, xã Hát Lót tập trung cao cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao mức sống cho nhân dân, tạo động lực để thực hiện các tiêu chí khác. Xã có gần 5.700 ha đất tự nhiên, trong đó 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp; toàn xã có 2.500 hộ dân sinh sống ở 31 bản, tiểu khu. Thời gian qua, nhân dân trong xã tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Xoài Đài Loan, xoài Úc, nhãn chín muộn, bưởi diễn, bưởi da xanh, với 450 ha, trong đó 250 ha đã cho thu hoạch. Cùng với đó, 582 ha mía được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất bình quân đạt 70 tấn/ha, được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La mua với giá ổn định 850 đồng/kg. Riêng 800 ha ngô được trồng các loại giống ngô lai, năng suất từ 7-8 tấn/ha. Ngoài ra, bà con còn trồng đậu, đỗ, rau xanh phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Chăn nuôi cũng là một trong những thế mạnh của người dân nơi đây, chủ yếu là chăn nuôi lợn và đàn gia cầm, với 30.000 con lợn thương phẩm, 70.000 con gia cầm, 2.000 con trâu, bò. Sản phẩm chăn nuôi trở thành hàng hóa, giúp người dân nâng cao mức sống. Nhờ vậy, thu nhập bình quân ở xã đạt 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,8%.
Khi sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa, nhân dân xã Hát Lót càng ý thức rõ hơn về vai trò của đường giao thông nông thôn, vừa đi lại thuận tiện, vừa vận chuyển hàng nông sản thuận lợi. Chính vì vậy, khi xã triển khai phong trào làm đường giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự đồng thuận cao của bà con trong xã. Tìm hiểu được biết, xã Hát Lót đã chọn bản Nà Cang xây dựng tuyến đường làm mẫu để nhân diện rộng trong toàn xã. Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng bản Nà Cang kể: Trước khi triển khai làm đường, Ban Quản lý bản đã tổ chức họp toàn bản để bà con được bàn bạc, thống nhất mức đóng góp, cách làm. Đồng thời, bầu ban giám sát để giám sát quá trình thi công, bảo đảm chất lượng công trình, giám sát việc thu, chi nguồn kinh phí làm đường... Được nhà nước hỗ trợ xi măng, các hộ dân trong bản đã góp 10 triệu đồng/hộ để đổ bê tông hơn 1km đường giao thông. Bây giờ tuyến đường vào bản và các tuyến đường ngõ xóm của bản đã được bê tông rộng rãi, sạch sẽ.
Sau khi bản Nà Cang hoàn thành các tuyến đường, xã đã tổ chức cho bí chi bộ, ban quản lý các bản, tiểu khu trong xã về tham quan và rút kinh nghiệm để triển khai tới các bản. Phong trào làm đường giao thông nông thôn đã lan rộng trong toàn xã, người dân ở tất cả các bản, tiểu khu đồng thuận hiến đất, góp công, góp tiền làm đường. Đặc biệt, bản Nong Xôm, do các hộ dân ở xa nhau nên mức đóng góp khá cao (40 triệu đồng/hộ), nhưng bà con vẫn đồng thuận để có con đường bê tông phong quang. Đến thời điểm này, xã Hát Lót đã bê tông được gần 30 km đường giao thông trục bản và đường ngõ xóm.
Theo Chủ tịch UBND xã, đối với 3 tiêu chí mà xã chưa đạt, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã tổ chức họp với các đoàn thể, Ban quản lý các bản xác định rõ nguyên nhân, khó khăn trong thực hiện để đề ra giải pháp phù hợp. Đối với tiêu chí về an ninh trật tự chưa đạt là do trên địa bàn xã hiện còn 50 người nghiện ma túy trong diện quản lý. Ban Chỉ đạo đã giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể xã và Ban quản lý các bản quản lý chặt chẽ những người này; hướng dẫn họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình; tổ chức hoạt động thu hút họ tham gia để hòa nhập cộng đồng... không để họ tái nghiện và không để phát sinh người nghiện mới. Đối với tiêu chí môi trường, các tổ công tác của xã về các bản xây dựng nhà vệ sinh mẫu trị giá khoảng 1 triệu đồng/nhà để nhân dân làm theo. Đồng thời, vận động nhân dân không nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở; thực hiện ăn, ở hợp vệ sinh... Riêng với tiêu chí về hệ thống chính trị, do còn 1 cán bộ xã không đạt trình độ chuyên môn, song do tuổi đã cao (57 tuổi) nên xã đã đưa ra một số giải pháp phù hợp...
Với sự đồng thuận của nhân dân, sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, tin rằng xã Hát Lót sẽ về đích nông thôn mới đúng kế hoạch.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!