Vùng mía Cò Nòi

Những ngày cuối năm, chúng tôi về xã Cò Nòi (Mai Sơn). Thời điểm này, nhân dân trong xã đang thu hoạch mía niên vụ 2017-2018. Chúng tôi cảm nhận được một vụ mía bội thu qua những gương mặt hồ hởi, phấn khởi của người dân khi nói về vụ thu hoạch mía năm nay.

 

Nông dân xã Cò Nòi (Mai Sơn) thu hoạch mía niên vụ 2017-2018.

 

Trong ngôi nhà xây kiên cố, khang trang ở bản Phiêng Nậm, xã Cò Nòi (Mai Sơn), ông Lò Văn Nam, Trưởng bản hào hứng khoe với chúng tôi: Toàn bộ diện tích đất sản xuất có thể trồng được mía đều đã được bà con thâm canh, với 87 ha mía (bằng hơn 74% diện tích đất sản xuất của bản). Năng suất bình quân đạt 80 tấn mía cây/ha, được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La thu mua với giá ổn định 850 đồng/kg. Mấy năm qua, ngô rớt giá, bà con trong bản bảo nhau chuyển diện tích trồng ngô sang trồng mía. Hơn nữa, trồng mía được thu nhập kép: Cây bán cho được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La; ngọn và lá mía ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông. Hiện nay, 78 hộ dân trong bản chăn nuôi trên 300 con trâu, bò. Nhiều hộ đã giàu lên từ trồng mía như gia đình các ông Lò Văn Đoàn, Lò Văn Thanh... đều trồng 7 ha mía, trừ chi phí thu hơn 300 triệu đồng/vụ mía. Cây trồng này đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân ở bản lên 24 triệu đồng/người/năm.

Trở về trụ sở UBND xã Cò Nòi, chúng tôi được đồng chí Lò Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã thông tin: Toàn xã có 2.176 hộ ở 36/40 tiểu khu trồng trên 2.548 ha mía, với giống ROC 22, LS1, KK, QĐ...Do cây mía “bén rễ” trên đồng đất Cò Nòi đã lâu, nên người trồng mía có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Hơn nữa, cứ vào vụ mía lại được cán bộ nông vụ của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La về hướng dẫn chọn giống, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc. Nhờ vậy, năng suất bình quân đạt 80 tấn mía cây/ha, sản lượng gần 204 nghìn tấn, trị giá trên 173 tỷ đồng. Mía đã và đang là cây trồng chủ lực của xã, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xã xuống còn 7,1%, giúp người dân Cò Nòi vươn lên làm giàu.

Qua trò chuyện với đồng chí Chủ tịch UBND xã được biết, đồng đất Cò Nòi phù hợp với cây mía, vì địa hình bằng phẳng, có nhiều phiêng bãi bằng, cùng với đó là người dân trong xã năng động khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Vì vậy, từ những năm 90 của thế kỷ XX, một số hộ dân đã trồng vài trăm ha mía, tự xây lò ép mật để bán lẻ ra thị trường. Tuy nhiên, do làm thủ công nên chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vì vậy phần lớn diện tích đất nông nghiệp được bà con thâm canh cây ngô. Mốc đánh dấu cây mía trở thành cây trồng chủ lực ở xã Cò Nòi kể từ khi Công ty cổ phần Mía đường Sơn La thành lập và ký hợp đồng trồng mía với bà con. Các hộ trồng mía được Công ty cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá mua ổn định. Do vậy, đã giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tốt để phát triển sản xuất. Thông lệ hằng năm, sau khi kết thúc niên vụ sản xuất mía, UBND xã cùng với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La tổ chức hội nghị, gặp mặt đại diện các hộ dân trồng mía để lắng nghe ý kiến của người sản xuất về những khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía. Cũng qua hội nghị, lãnh đạo xã phân tích những lợi thế của việc trồng mía so với trồng ngô; vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng mía bởi đất đã bạc màu, năng suất ngô đạt thấp, giá cả lại bấp bênh. Qua thực tế sản xuất, người dân Cò Nòi cũng nhận thấy rõ, nếu so với trồng ngô thì trồng mía thu lãi cao hơn 2-3 lần trên cùng một diện tích đất canh tác (với thời giá hiện tại). Vì vậy, diện tích trồng mía trong xã mỗi năm một tăng thêm thay thế diện tích đất trồng ngô trước đây. Cò Nòi từng bước trở thành vùng nguyên liệu quan trọng của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La. Trong quá trình đó, vùng nguyên liệu mía Cò Nòi đã được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La phân công 8 cán bộ nông vụ bám sát vùng nguyên liệu để hướng dẫn bà con sản xuất, thu hoạch. Đồng thời, hỗ trợ xã xây dựng một trường học trị giá 3 tỷ đồng. Ngoài ra, hằng năm hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa tiểu khu, tu sửa đường nội đồng... với tổng số tiền gần 300 triệu đồng/năm. Việc làm này đã góp phần gắn kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, cũng như gắn kết được người sản xuất với doanh nghiệp.

Tại phiêng bãi mía khá rộng ở Tiểu khu 26/3, xã Cò Nòi, chị Nguyễn Thị Huệ đang chuẩn bị thu hoạch mía. Khi nói về việc trồng mía, chị Huệ tính toán: Trồng 1 ha mía thu 80 tấn mía cây, bán cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn La được 68 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất còn từ 45-50 triệu đồng. Còn trồng 1 ha ngô thu khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất chỉ còn 15-20 triệu đồng. Hơn nữa, trồng mía không đòi hỏi kỹ thuật như trồng ngô, cây lại chịu hạn tốt nên không lo mất mùa. Năm 1995, gia đình tôi trồng 1 ha mía nguyên liệu, sau đó chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô sang trồng mía, với 3,2 ha mía nguyên liệu cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn La. Nhờ cây trồng này, gia đình tôi có của ăn, của để, xây dựng được ngôi nhà kiên cố, khang trang, các con được học hành chu đáo.

Về bản Nhạp, bản Lếch, bản Lạnh, Tiểu khu Bình Minh... chúng tôi nhận thấy, các gia đình trồng mía đều tận dụng ngọn mía sau thu hoạch để ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông, tạo thu nhập kép từ cây mía. Chính vì vậy, đàn trâu, bò ở Cò Nòi phát triển mạnh, gia đình nuôi ít cũng có 2 con, gia đình nuôi nhiều có vài chục con, đã nâng tổng số đàn trâu, bò toàn xã lên gần 3.000 con. Điều này không chỉ tăng thêm thu nhập cho nông dân mà còn làm thay đổi phương thức nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt chuồng làm hàng hóa. Điển hình như gia đình ông Lò Văn Đoàn, bản Phiêng Nậm; ông Lò Văn Hoa, bản Lếch; ông Lò Văn Quân, bản Lạnh...

Mùa xuân mới đang về, trên các phiêng bãi mía ở Cò Nòi vẫn rộn ràng tiếng cười, tiếng nói của người dân đang thu hoạch mía; những chiếc xe ô tô chở đầy ắp mía chuyển bánh về Công ty cổ phần Mía đường Sơn La. Tất cả đều tin tưởng vào một niên vụ sản xuất thắng lợi, mang lại cuộc sống ấm no trong tương lai tươi sáng.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới