Viết tiếp trang sử về Ngã ba Cò Nòi

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi về bản Cò Nòi, xã Cò Nòi (Mai Sơn), nơi cách đây hơn 60 năm, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là nút giao thông quan trọng - địa điểm mà thực dân Pháp bắn phá ác liệt nhằm chặt đứt huyết mạch giao thông của ta. Giờ đây, nhân dân trong xã, người dân bản Cò Nòi đang chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Ông Lò Văn Thanh, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi (Mai Sơn) (người ngồi chính giữa)

kể lại kỷ niệm những năm tháng tham gia kháng chiến. 

Cùng anh Lò Văn Quynh, Bí thư Chi bộ bản Cò Nòi, xã Cò Nòi đến Đài Tưởng niệm thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi (thuộc bản Cò Nòi) - địa danh lịch sử được xếp hạng di tích Quốc gia - nơi ghi dấu cuộc chiến đấu oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi thêm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước. Anh Quynh xúc động: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi đây, mỗi ngày thực dân Pháp đã ném khoảng 69 tấn bom, cày xới từng mét đất, ngăn chặn sự tiếp viện của ta cho chiến trường. Dưới làn mưa bom của địch, các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong vẫn dũng cảm bám trụ ngày đêm, đảm bảo thông đường, thông xe. Đã có hàng trăm chiến sỹ và thanh niên xung phong anh dũng hy sinh, nhưng điều đó càng làm tăng thêm ý chí kiên cường, quyết tâm giành độc lập tự do cho dân tộc của tất cả những người lính. Mảnh đất khói lửa, bom đạn chiến tranh năm xưa giờ được trải bằng màu xanh của mía, của ngô... Cuộc sống mới đang hiện hữu ở vùng đất này.

Câu chuyện về những năm tháng đất nước có chiến tranh được tiếp tục khi chúng tôi đến thăm gia đình ông Lò Văn Thanh, bản Cò Nòi. Trong ngôi nhà hai tầng làm bằng gỗ treo nhiều Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen ghi nhận công lao của ông Thanh đã đóng góp trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước và trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Ông Thanh tâm sự: Không được tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng chính truyền thống cách mạng của quê hương đã thôi thúc tôi nhập ngũ tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Vào sinh ra tử” với nhiều trận chiến đấu ác liệt tại cứ điểm Đắc Bét, đường 14, tỉnh Kon Tum, tôi bị thương và xuất ngũ năm 1973. Trở về địa phương, sau nhiều năm tham gia Ban quản trị HTX của xã, tôi được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư đảng ủy xã và tham gia 4 khóa Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (từ năm 1990-2004). Dù đang công tác hay về nghỉ chế độ hưu trí, tôi luôn nhắc nhở bà con trong bản, trong xã sống sao cho xứng đáng với truyền thống xã Anh hùng.  

Được “thực mục sở thị” những ngôi nhà xây kiên cố, nhà sàn làm bằng gỗ theo hình thức truyền thống, những bãi mía vừa thu hoạch, đang bước vào sản xuất niên vụ 2017-2018, những vạt nương ngô bắt đầu vào vụ xuân hè, những sườn đồi trồng cây ăn quả, cùng đàn trâu, bò được nuôi nhốt chuồng vỗ béo làm hàng hóa..., chúng tôi cảm nhận rõ người dân bản Cò Nòi đang năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Hiện bản Cò Nòi có 100 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Điều ghi nhận là bà con trong bản đã khai thác tiềm năng về đất đai để đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất. Theo đó, 85 ha trồng mía được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất bình quân trên 8 tấn/ha, bán cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn La với giá ổn định 850 đồng/kg. 30 ha trồng các loại giống ngô lai, năng suất bình quân từ 7-8 tấn/ha. Từ năm 2015 đến nay, một số hộ đã chuyển 7 ha đất trồng ngô sang trồng xoài Đài Loan, nhãn ghép, vụ năm nay đang bói quả.

Vào các hộ gia đình trong bản Cò Nòi, chúng tôi nhận thấy những bó ngọn mía được xếp gọn gàng và được bảo quản cẩn thận, bởi đây là nguồn thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò nuôi nhốt chuồng. Bình quân mỗi hộ có khoảng 2 con trâu, bò. Cùng với đó, đàn dê cũng được phát triển về quy mô đàn, hiện toàn bản có gần 500 con dê. Điều mừng là dê thương phẩm của bản Cò Nòi đã được bán ở thị trường trong huyện và các vùng lân cận. Riêng gia cầm mỗi hộ có từ 50-60 con... Câu chuyện làm giàu không dừng lại ở trồng trọt và chăn nuôi, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cũng phát triển khá mạnh. Đó là những hộ ở ven quốc lộ 6 đã phát triển kinh doanh dịch vụ ăn uống, sửa chữa xe máy, xe ô tô... Nhờ vậy, bản chỉ còn 10 hộ nghèo (theo tiêu chí mới), thu nhập bình quân ở bản 27 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ kinh doanh dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, như: Gia đình ông Lò Văn Chiến, Lò Văn Thanh, Lò Văn Binh, Hà Thị Quyết... Các hộ trong bản đều có ti vi, xe máy, 5 hộ mua xe ô tô vận chuyển hàng nông sản, nhiều hộ mua máy cày để cơ giới hóa nông nghiệp, giải phóng sức lao động...

Tạm biệt bản Cò Nòi, chúng tôi chia vui với người dân trong bản về cuộc sống mới đang khởi sắc và tin rằng, với hướng đi, cách làm đã chọn, cùng với sự đồng tâm, hiệp lực của bà con sẽ xây dựng cuộc sống mới phát triển toàn diện, diện mạo vùng nông thôn ngày càng đổi mới trên mảnh đất anh hùng.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới