Về nơi ghi dấu những chiến công của thanh niên xung phong

Những ngày này, khi cả nước tổ chức nhiều hoạt động hướng tới Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) (15/7/1950-15/7/2018), chúng tôi tìm về ngã ba Còi Nòi (Mai Sơn), nơi ghi dấu những chiến công lẫy lừng của lực lượng TNXP trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP tại ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn).

Biểu tượng của TNXP thời chống Pháp

 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là điểm trọng yếu trên đường ra mặt trận của quân ta, là điểm nối giữa quốc lộ 41 (nay là Quốc lộ 6) với quốc lộ 13 (Quốc lộ 37 bây giờ). Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công... Từ Yên Bái sang, từ đồng bằng Bắc bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này. Với vị trí chiến lược quan trọng đó, ngã ba Cò Nòi đã trở thành “tọa độ lửa”, “túi bom” trong những cuộc không kích của thực dân Pháp, địch đã huy động mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ liên tục ném bom, nhằm chặt đứt con đường tiếp tế của ta lên chiến trường Điện Biên Phủ. Trung bình cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần. Có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom Na Pan, bom bướm với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ nhằm phá hủy kho tàng, vũ khí, lương thực, lán trại trú quân và sát hại bộ đội, dân công, lực lượng TNXP làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại ngã ba trọng điểm này.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, nhân dân các tỉnh lần lượt tiễn con em hăng hái lên đường tham gia quân ngũ, đi TNXP và dân công hỏa tuyến. Riêng lực TNXP tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trên 18.000 người, trong đó lực lượng TNXP thường trực ở ngã ba Cò Nòi khoảng 1.000 người thuộc các đơn vị của Đội 34, 40. Với quyết tâm "Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để chiến thắng", dưới mưa bom, bão đạn, tinh thần anh dũng, chiến đấu quả cảm của các lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu được phát huy cao độ, trở thành thứ vũ khí nhấn chìm mọi sự ác liệt, tàn khốc của bom đạn của kẻ thù xâm lược. Lực lượng TNXP nơi ngã ba Cò Nòi vẫn kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, lực lượng TNXP đã có nhiều sáng kiến hay mà địch không thể nghĩ tới, đó là cử người đếm toàn bộ số bom nổ chậm địch ném xuống, xác định rõ số lượng bom, vị trí bom chưa nổ để phục vụ cho công tác rà phá, giải phóng đường và bảo đảm tính mạng cho lực lượng TNXP khi làm nhiệm vụ. Đối với đường trơn lầy, lún trượt khi xe vận tải vận chuyển vũ khí, lương thực, TNXP lấp đá hộc, lấy cây rừng dải và ghép lại với nhau bằng hệ thống cọc giữ đã tạo được mặt phẳng đảm bảo cho xe đi lại thuận lợi sau mỗi trận mưa rừng...Nhiều tấm gương dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của TNXP đã được phát huy, cũng tại nơi đây, 100 TNXP đã anh dũng hy sinh, hằng trăm người bị thương để đảm bảo cho cung đường thông suốt. Máu của các liệt sỹ đã hy sinh anh dũng tại ngã ba lịch sử này đã tô thắm thêm trang sử vàng oanh liệt của lực lượng TNXP Việt Nam. Ngã ba Cò Nòi trở thành địa danh lịch sử viết lên trang anh hùng ca hùng tráng của dân tộc Việt Nam, của Tây Bắc kiên cường, của Sơn La bất khuất. Cũng bởi vậy, ngã ba Cò Nòi trở thành biểu tượng khắc ghi mốc son lịch sử hào hùng của lực lượng TNXP Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp

Quan tâm xây dựng ngã ba Cò Nòi xứng tầm lịch sử

Chiến tranh đã lùi xa, những chiến công vẻ vang năm xưa của lực lượng TNXP tại ngã ba Cò Nòi vẫn in đậm trong ký ức của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và nhân dân cả nước. Để ghi nhớ công ơn các liệt sỹ TNXP tại ngã ba Cò Nòi lịch sử, ngày 21/4/2000, UBND tỉnh đã khởi công xây dựng Đài Tưởng niệm liệt sĩ TNXP với qui mô rộng hơn 20.000 m2. Ngày 7/5/2002, Đài tưởng niệm được khánh thành và đón nhân dân vào tham quan, tưởng niệm. Công trình gồm các hạng mục chính là: Đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP; hai bức phù điêu (mỗi bức rộng 42 m2) được trang trí bằng các họa tiết minh họa cho chủ trương “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và Nhà lưu niệm. Năm 2004, di tích được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ đó đến nay, di tích đã đón nhiều du khách trong nước và quốc tế đến thăm, là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, ĐVTN trong tỉnh...

Tuy nhiên, từ đó đến nay, do tác động của thời gian và con người, di tích đã xuống cấp, chưa phát huy được giá trị của di tích xứng tầm lịch sử. Bởi ngoài cụm tượng đài, chưa có các hạng mục liên quan như: lán trại, kho tàng, giao thông hào, hố bom, nơi sinh hoạt của TNXP năm xưa; không gian nhà trưng bày còn chật hẹp, kỷ vật sưu tầm ít, sơ sài, không có cán bộ thuyết minh về di tích nên chưa phản ánh đầy đủ tính chất khốc liệt, sự hi sinh anh dũng của TNXP, các lực lượng tại ngã ba lịch sử. Cùng với đó, tình trạng lấn chiếm xung quanh khu di tích của các hộ dân để làm nương rãy, dịch vụ đã làm hệ thống giao thông hào, lán trại, vết tích các hố bom hầu như đã bị san lấp... Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Phúc Võ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: Tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nga ba Cò Nòi anh hùng – tầm vóc và giá trị lịch sử” do tỉnh và Trung ương Đoàn tổ chức vào tháng 5/2017 đã khẳng định tầm vóc và giá trị lịch sử to lớn của ngã ba Cò Nòi, cần phải phục hồi, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy đúng giá trị của di tích. Tháng 9/2017, UBND tỉnh đã có công văn đôn đốn các ngành chức năng, đơn vị liên quan thực hiện tốt việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi; sớm lập tờ trình gửi các bộ, ngành Trung ương đề nghị công nhận di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Hiện nay, các đơn vị đã lập xong bản đồ quy hoạch chi tiết để phục hồi, trùng tu, tôn tạo khu vực di tích với quy mô 10 ha với nhiều hạng mục như: cổng chào, khu đón tiếp khách, đền thờ, tháp, mộ gió, hố bom, khu bán hàng lưu niệm... Đây không chỉ là mong mỏi của lực lượng TNXP mà của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, với khối lượng phục hồi, bổ sung lớn, vốn đầu tư nhiều, nên rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và nhân dân, đặc biệt là việc huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng khu di tích đúng tầm giá trị lịch sử...

Những chiến công vẻ vang năm xưa của lực lượng TNXP tại ngã ba Cò Nòi luôn khắc sâu trong ký ức của đồng bào nhân dân các dân tộc Sơn La, Tây Bắc và người dân cả nước, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ động viên to lớn cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới