Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại Ngã ba Cò Nòi, nơi có Tượng đài Thanh niên xung phong, khắc ghi một thời oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên phủ.
Tượng đài Thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn).
Cách đây 64 năm, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên phủ, Ngã ba Cò Nòi là nút giao thông trọng điểm, điểm nối giữa quốc lộ 41 (quốc lộ 6) với quốc lộ 13 (nay quốc lộ 37), là một thung lũng hẹp và sâu, hai bên là đồi đất, tất cả mọi hoạt động chi viện về lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực... cho chiến trường đều phải qua đây. Vì vậy, thực dân Pháp đã tập trung không quân đánh phá ác liệt, nhằm chặt đứt con đường huyết mạch duy nhất lên Điện Biên phủ. Số lần đánh phá của quân Pháp ngày một dày đặc hơn, quy mô, bán kính cũng lớn hơn, có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm. Dưới mưa bom, bão đạn, lực lượng thanh niên xung phong tại ngã ba Cò Nòi vẫn dũng cảm bám đường, bám trận địa, bảo đảm thông xe tiếp viện cho tiền tuyến. Cũng tại nơi đây, máu của 100 liệt sỹ thanh niên xung phong đã lẫn vào đất, tô thắm thêm trang sử vàng oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam. Hôm nay, Tượng đài thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhân dân và du khách thập phương. Vì vậy, mỗi lần qua đây, chúng tôi thường bắt gặp nhiều tốp học sinh được thầy giáo, cô giáo dẫn đến tham quan và ôn lại truyền thống ngã ba lịch sử này. Đây cũng là nơi nhiều cơ sở đoàn đã tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên mới và các hoạt động tình nguyện. Và cũng là điểm đến của những người lính về thăm lại chiến trường xưa. Chắc chắn trong tâm trí của những người đến thăm Tượng đài, ai cũng xúc động, tự hào và biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh anh dũng của những thanh niên xung phong vì độc lập dân tộc.
Phát huy truyền thống Anh hùng, trong những năm qua, nhân dân xã Cò Nòi đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế để có cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Sự năng động của người dân Cò Nòi được thể hiện rõ trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nhân dân chọn hai cây trồng chủ lực là cây mía và cây ngô, ngoài ra còn trồng cây sắn công nghiệp, cây cà phê, cây ăn quả, rau sạch... Chăn nuôi được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với các mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng; nuôi lợn theo quy trình kỹ thuật cao, nuôi ong. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đạt 27 triệu đồng/người/năm. Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, Cò Nòi còn tích cực phát huy hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tới từng bản, tiểu khu... Năm 2017, xã Cò Nòi đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 66% hộ đạt gia đình văn hóa; nhiều bản, tiểu khu đạt văn hóa... Hằng năm, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức để bà con các bản, tiểu khu có cơ hội giao lưu, học hỏi, góp phần tăng tình đoàn kết giữa nhân dân trong xã...
Phát huy truyền thống Anh hùng, hôm nay người dân Cò Nòi vẫn từng ngày hướng tới xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương giàu đẹp để xứng đáng với truyền thống cách mạng của cha anh.
Huyền Trăng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!