Với phương châm lấy nông dân là đối tượng trung tâm để phát triển các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Mai Sơn đã kết hợp với các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả công tác phối hợp tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông; kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định sản xuất nông nghiệp an toàn, cung cấp cho thị trường và phục vụ xuất khẩu.
Cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Mai Sơn kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh của hộ chăn nuôi tại xã Cò Nòi.
Ông Vũ Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Mai Sơn cho biết: Trung tâm được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị: Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y, Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện và bộ phận dạy nghề của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện. Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm xác định rõ, phải gắn chặt giữa nhiệm vụ chuyên môn (công tác khuyến nông, thú y, BVTV) với làm dịch vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình phát triển sản xuất. Hiệu quả rõ nét nhất chính là làm tốt nhiệm vụ chuyên môn trong phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và cây trồng.
Mặc dù thời gian sáp nhập chưa dài nhưng Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Mai Sơn đã chứng minh được tính hiệu quả dưới sự chỉ đạo trực tiếp của huyện và sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền cơ sở. Điển hình như những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, huyện Mai Sơn đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách với phương châm “phòng bệnh là chính”, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi theo Chỉ thị của UBND tỉnh. Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Công an, Đội quản lý thị trường số 2, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại các bản, tiểu khu, trang trại, hộ chăn nuôi, kịp thời phát hiện bệnh dịch, lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định.
Cùng với cán bộ thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh của gia đình anh Nguyễn Tất Sơn, tiểu khu 39, xã Cò Nòi. Khu chuồng trại được xây dựng cách xa nhà ở, có hệ thống nước thải riêng biệt. Anh Sơn cho biết: Hiện, gia đình tôi đang gây đàn lợn mới với khoảng 100 con, thực hiện các giải pháp phòng chống, dịch bệnh theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y, gia đình thực hiện rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng 1 tuần/lần và không mua bán lợn ở ngoài vào để phòng chống, bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào đàn lợn của gia đình.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức 330 lớp tập huấn cho trên 15.000 lượt nông dân về các nội dung: Kỹ thuật trồng cây ăn quả trên đất dốc; kỹ thuật trồng lúa cải tiến SRI; kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; phòng, chống dịch bệnh, chống rét cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng rau theo quy trình VietGAP... Đồng thời, tổ chức điều tra, dự tính, dự báo sinh vật hại cây trồng được trên 150 kỳ, phát hiện trên 3.300 lượt ha bị nhiễm sâu bệnh. Hướng dẫn các hộ dân phòng trừ sâu bệnh hại gần 1.000 lượt ha lúa, trên 50 ha rau, gần 1.200 lượt ha cà phê và nhiều loại cây trồng khác... Tham gia hướng dẫn và thực hiện thu hái, vận chuyển đóng gói sản phẩm xoài, nhãn xuất khẩu tại xã Hát Lót, Chiềng Mung; tổ chức thu gom vỏ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại xã Tà Hộc, Phiêng Pằn, Hát Lót được trên 1.400 kg.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình có trọng tâm, trọng điểm, gắn với lợi thế và định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả để tạo sự đột phá trong sản xuất hàng hoá, tập trung đầu tư xây dựng những mô hình mới có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, chủ động liên kết với các HTX, các viện nghiên cứu cung ứng tới các hộ sản xuất trên địa bàn các giống cây trồng có chất lượng và giá trị kinh tế; hướng dẫn bà con sử dụng đúng cách các loại phân bón hữu cơ, vi sinh vào sản xuất...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!