Mai Sơn hôm nay đang thay đổi từng ngày. Trên những vườn đồi, bên cạnh màu xanh của những cây lương thực và cây công nghiệp truyền thống như: Ngô, chè, cà phê, mía, hôm nay còn phủ thêm màu xanh của những vườn xoài tượng da xanh, nhãn, na, bưởi, thanh long, chanh leo, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha/năm cho người dân. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc, danh sách những tỷ phú trồng cây ăn quả được gọi tên mỗi năm một dài thêm.
Trồng cam trên đất dốc ở bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban (Mai Sơn).
Cách trung tâm huyện Mai Sơn gần 20 km, chúng tôi đến xã Chiềng Ban, là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Mai Sơn và là thủ phủ trồng cà phê Arabica của Sơn La. Hai bên con đường nhựa dẫn đến xã Chiềng Ban, cùng với màu xanh của những vườn đồi cà phê là màu xanh của những mô hình trồng cam theo quy trình VietGAP cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Chưa dừng ở đó, nhiều nhà vườn kết hợp làm thêm dịch vụ trải nghiệm hái quả, thu hút ngày càng nhiều lượt khách tới tham quan. Ngoài lợi ích về kinh tế, loại hình nhà vườn còn góp phần quảng bá, giới thiệu vùng quê trù phú Chiềng Ban với bạn bè gần xa.
Ông Đào Đắc Năm, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban nổi lên nhờ sự “mát tay” và tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc vườn cam. Bởi vậy, vườn cam rộng 1,4 ha của ông Năm luôn trĩu quả. Ông Năm thông tin: Từ đầu mùa đến nay, gia đình tôi thu hoạch được 1,5 tấn cam canh, hơn 1.000 quả bưởi da xanh và trên 1 tấn cam Vinh, với giá 35.000 đồng/kg cam canh; 20.000 đồng/kg cam Vinh và 50.000 đồng/quả bưởi da xanh, cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện, trong vườn còn khoảng 1.000 quả bưởi da xanh, 20 tấn cam Vinh chưa thu hoạch, ước thu thêm 400- 500 triệu đồng. Vườn cam, bưởi da xanh trồng theo quy trình VietGAP ngày càng được nhiều khách hàng biết đến tham quan, trải nghiệm.
Từ xã Chiềng Ban chúng tôi về xã Hát Lót, là vựa cây ăn quả chất lượng cao của huyện Mai Sơn, với hàng trăm ha cây ăn quả các loại. Đặc biệt, quả xoài tượng da xanh của HTX Ngọc Lan trồng theo quy trình VietGAP đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Australia, Trung Quốc, DuBai. Dọc hai bên đường qua các bản Noong Xôm, Nà Cang thời điểm này bên cạnh những vườn xoài, nhãn đang đâm trồi, nẩy lộc, chuẩn bị ra hoa là những vườn bưởi da xanh, bưởi diễn trĩu quả. Ông Đào Xuân Yết, bản Nà Cang, xã Hát Lót, cho biết: Năm 2012, gia đình đã chuyển 1 ha đất trồng ngô sang trồng bưởi da xanh, bưởi diễn. Năm 2016, vườn bưởi cho thu hoạch hơn 200 triệu đồng. So sánh thấy bưởi da xanh hiệu quả kinh tế cao hơn bưởi diễn, tôi ghép cải tạo toàn bộ cây bưởi diễn bằng bưởi da xanh. Hiện nay cây bưởi ghép đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Từ đầu vụ tới nay thu được gần chục tấn, bán với giá từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng, ước hết vụ sẽ thu thêm vài tấn nữa.
Suy nghĩ của ông Năm, xã Chiềng Ban hay ông Yết, xã Hát Lót cũng là suy nghĩ chung của hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Mai Sơn. Luồng gió mới đó đến với huyện Mai Sơn từ năm 2015 khi thực hiện chủ trương của tỉnh chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Chỉ tính riêng năm 2018, toàn huyện đã trồng mới 3.639 ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 6.339 ha, đạt 181,1% so với kế hoạch; sản lượng ước đạt gần 28.800 tấn. Để tạo sức bật cho vùng chuyên canh cây ăn quả, huyện Mai Sơn đã quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh khuyến khích hộ dân ghép cải tạo vườn; chuyển đổi giống cây trồng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây ăn quả... Nhờ đó, năng suất, chất lượng vườn cây quả nâng lên, diện tích cây ăn quả được cấp mã vùng trồng gần 30 ha; diện tích áp dụng VietGAP trên 72 ha; na được cấp nhãn hiệu. Năm 2018, huyện Mai Sơn đã xuất khẩu gần 670 tấn xoài tượng da xanh, 76,6 tấn thanh long; trên 100 tấn nhãn... giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 992 tỷ đồng.
Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 của HĐND tỉnh Sơn La về Đề án Phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 15/5/2018 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, UBND huyện Mai Sơn đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 25/6/2018 triển khai thực hiện Đề án của tỉnh trên địa bàn huyện Mai Sơn. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các xã, bản bám sát chỉ tiêu kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP và các tiêu chuẩn tương tự. Phấn đấu đến năm 2020 mở rộng diện tích trồng cây ăn quả toàn huyện lên 9.893 ha. Riêng năm 2019, trồng mới khoảng 1.260 ha, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 7.600 ha. Cơ cấu cây trồng chính gồm: xoài, nhãn, bưởi, thanh long, chanh leo và các loại cây ăn quả có múi.
Tin rằng, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và huyện, cùng sự cố gắng, nỗ lực của người dân, vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao Mai Sơn sẽ được mở rộng và phát triển. Cùng với đó, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, những trái cây mang thương hiệu Mai Sơn sẽ ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, mang về những vụ mùa bội thu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!