Thành công từ nhãn ghép chín muộn

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp đến thăm hợp tác xã Nhãn chín muộn, tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung (Mai Sơn), sau hơn 10 năm nghiên cứu, phát triển cây ăn quả chất lượng cao, đến nay HTX đã thành công với mô hình nhãn ghép, mang lại thu nhập ổn định và tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương.

 

Vườn nhãn ghép của hợp tác xã Nhãn chín muộn, tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung (Mai Sơn).

Ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2008, tôi đã mang những cành nhãn lồng từ Hưng Yên lên ghép thử vào vườn nhãn của người chị họ. Cả một vườn nhãn rộng bị tôi cắt hết cành để ghép, chị tôi tuy đã đồng ý, nhưng chưa thấy ai cắt nhãn như tôi nên cũng xót, còn hàng xóm không tin là tôi có thể làm được. Thế nhưng, sau khi ghép một thời gian những cây nhãn đã lên chồi và xanh tốt trở lại, năm 2009 vườn nhãn ghép bắt đầu bói quả, vị rất ngọt, cùi dày, hạt nhỏ, bán được giá 50.000 đồng/kg; đến năm 2010 thì vườn nhãn đã cho thu tới 1,2 tỷ đồng.

Từ kết quả thành công sau khi ghép cải tạo vườn nhãn, ngày nào cũng có người trong xã, huyện, tỉnh đến xem mô hình và được tôi tư vấn cưa đốn nhãn cũ, ghép nhãn mới, tất cả những vườn ghép đều cho thu hoạch quả chất lượng, năng suất và giá trị cao gấp 4-5 lần trước đây. Để có chiến lược phát triển giống nhãn ghép hàng loạt, ông Phòng đã chủ động đề xuất với các cơ quan chức năng của tỉnh để được hỗ trợ, giúp xây dựng vườn cây nhãn đầu dòng mang thương hiệu nhãn Sơn La. Đến năm 2011, ông Phòng đã thành lập HTX Nhãn chín muộn với ngành nghề kinh doanh là nhãn và chăm sóc cây giống nông nghiệp, bình quân mỗi năm hợp tác xã đã sản xuất được 60-70 vạn cây giống gồm: Nhãn, xoài, cam, chanh, bưởi, bơ, đào... trong đó cây nhãn ghép là sản phẩm chủ lực được nhân ra từ vườn cây nhãn giống đầu dòng do Sở NN&PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả đánh giá và công nhận. Các giống cây được bán chủ yếu ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái... với doanh thu từ 5-10 tỷ đồng/năm.

Được biết, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Sơn La đã thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn các thành viên HTX sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP; hướng dẫn hoàn thiện điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và cấp miễn phí tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm quả nhãn tươi của HTX để phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu. Đến nay, các thành viên hợp tác xã đều tự giác chấp hành nghiêm quy trình về sản xuất quả nhãn an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, qua đó đã có 35 ha nhãn của hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP với sản lượng đạt hơn 500 tấn/năm.

Trước khi chia tay, ông Phòng phấn khởi thông tin: Hiện nay, HTX có tổng diện tích 80 ha nhãn ghép, trong đó 60 ha cho thu hoạch, vụ nhãn năm nay năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, sản lượng 900 tấn quả, với giá bình quân 12.000 đồng/kg, doanh thu của HTX đạt gần 11 tỷ đồng. Thông qua một doanh nghiệp ở tỉnh Hưng Yên, sản phẩm long nhãn của HTX đã được đối tác ở Nhật Bản và Hàn Quốc đánh chất lượng tốt và có mong muốn hợp tác thu mua với giá cao. Vì vậy, dự kiến vụ nhãn năm tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư 5 tỷ đồng xây kho lạnh với diện tích 500 m² cùng 10 lò sấy long nhãn với công suất hơn 10 tấn nhãn tươi/ngày và đề nghị Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Sơn La tiếp tục hỗ trợ miễn phí tem điện tử truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm long nhãn của hợp tác xã để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới