Tập trung nguồn lực xây dựng Mai Sơn phát triển toàn diện

Cách đây 70 năm - ngày 20/11/1948, Tỉnh ủy Sơn La đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng châu Mai Sơn do đồng chí Quàng Dương làm Trưởng Ban - Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ huyện Mai Sơn. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện đã không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân trong huyện anh dũng trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực, khai thác lợi thế xây dựng huyện phát triển toàn diện trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Đinh Thị Bích Thảo

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mai Sơn

 

Lãnh đạo huyện Mai Sơn trao Giấy khen cho các tập thể

có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.

Trong suốt chặng đường lịch sử của các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn đã không tiếc xương máu, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Đặc biệt, ngày 10/8/1953 “Tập đoàn cứ điểm Nà Sản - bức tường thép thứ 2 ở Tây Bắc” phá sản, Mai Sơn hoàn toàn giải phóng - Từ đây tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường Tây Bắc và Thượng Lào được khai thông. Mai Sơn trở thành căn cứ hậu cần lớn mạnh phục vụ tổng tiến công, giành thắng lợi lừng lẫy Điện Biên, trấn động địa cầu. Đã có biết bao người con ưu tú của Mai Sơn tình nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng xương máu tham gia giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhiều địa danh trên địa bàn đi vào lịch sử, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong đó, tại ngôi nhà sàn cạnh gốc me, dưới chân núi Pha Văn, bản Dôm, thị trấn Hát Lót, đã diễn ra Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Sơn La; Khu căn cứ cách mạng Mường Chanh; ngã ba Cò Nòi - nơi hy sinh của hàng trăm thanh niên xung phong trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ...

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Mai Sơn ngày càng lớn mạnh, từ 11 đảng viên trong ngày đầu thành lập Ban Cán sự Đảng châu Mai Sơn, đến nay Đảng bộ huyện có 81 tổ chức cơ sở đảng, 31 đảng bộ cơ sở (287 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 50 chi bộ cơ sở), với 8.752 đảng viên. Trong những năm qua, Đảng bộ huyện thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, bám sát quy định của Điều lệ Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện trên bước đường phát triển. Phát huy tính chủ động, vai trò của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, đổi mới phong cách, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’ đã được Đảng bộ huyện gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về công tác xây dựng Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phong trào thi đua học tập và làm theo Bác, với những việc làm theo Bác sát với nhiệm vụ của từng tổ chức đảng, từng đảng viên, đã tạo sự chuyển biến tích cực của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác tổ chức cán bộ được Đảng bộ huyện chú trọng thực hiện theo tinh thần các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, khung tiêu chuẩn chức danh, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức... Quan tâm công tác phát triển Đảng, nhất là ở những chi bộ còn ít đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở...

Trong lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo chính quyền và các tổ chức đoàn thể hướng dẫn nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế đầu tư phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ điều kiện thực tế về tài nguyên đất đai, địa hình, khí hậu, huyện Mai Sơn hình thành các vùng kinh tế: Vùng quốc lộ 6; vùng quốc lộ 4G; vùng cao biên giới. Trên cơ sở đó, huyện tiến hành quy hoạch lại khu dân cư, các vùng kinh tế động lực, khu công nghiệp, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn. Trong quá trình đó, tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, đã hình thành các vùng cây chuyên canh, với những cây trồng chủ lực như: 6.339 ha cây ăn quả, 4.350 ha cây cà phê, 6.650 ha cây mía, 4.000 ha sắn... Đặc biệt, phát huy hiệu quả mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP tại 13 HTX trên địa bàn, tạo sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh. Đề nghị cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận 10 mã vùng cây ăn quả với 86,2 ha để phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó, quan tâm phát triển chăn nuôi, thực hiện đa dạng các loại hình chăn nuôi, chú trọng đầu tư chăn nuôi tập trung, trang trại; nâng cao chất lượng và tăng quy mô đàn gia súc, gia cầm... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện còn 21,35 % năm 2018.

 

Nhân dân xã Cò Nòi (Mai Sơn) thu hoạch na.

 

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đúng kế hoạch đề ra. Huyện đã thực hiện “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới” tại một số xã, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn trong đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Mai Sơn có 4 xã: Mường Chanh, Chiềng Ban, Hát Lót, Mường Bon đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất hệ thống trường, lớp học, thiết bị giảng dạy và học tập được quan tâm đầu tư. Riêng năm 2018 có thêm 4 trường đạt chuẩn Quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn lên 40 trường học. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đúng mức, 100% các bản, tiểu khu có nhân viên y tế; 20/22 trạm y tế xã có bác sỹ. Đến nay, huyện có 18/22 xã đã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được gắn với chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn mới ở các địa bàn trong huyện. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo phong trào sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, an ninh biên giới được giữ vững tiềm lực quốc phòng được tăng cường. Các lực lượng chức năng tăng cường bám nắm cơ sở, nắm bắt diễn biến tư tưởng nhân dân, đặc biệt là các xã vùng cao, biên giới và những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự tại các xã và tại các địa bàn triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện. Huyện duy trì tốt mối quan hệ với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, (nước CHDCND Lào) và các huyện kết nghĩa trong và ngoài tỉnh.

 

 

Một giờ học của cô và trò trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Chiềng Nơi (Mai Sơn).

 

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong chặng đường 70 năm qua, thời gian tới, Đảng bộ huyện Mai Sơn tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thành lập hợp tác xã, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm sạch, chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hai là, hướng dẫn, triển khai thực hiện và từng bước nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Ba là, kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, thông qua trao đổi, đối thoại để nắm bắt giải quyết tốt các nguyện vọng chính đáng của nhân dân...

Bốn là, duy trì mối quan hệ kết nghĩa hữu nghị với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); giữ vững an ninh an toàn trật tự xã hội, tăng cường củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Năm là, làm tốt công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Tiếp tục giúp đỡ các chi bộ bản đặc biệt khó khăn, làm tốt công tác phát triển đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Bảng vàng thành tích

I. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ

- 4 tập thể và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân

- 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động

- 10 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng

- 5.367 cá nhân được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ các hạng.

- 42 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ

II. Thời kỳ đổi mới

- 3 tập thể Anh hùng Lao động

- 2 tập thể được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba

- 9 tập thể, 15 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba

- 6 tập thể được tặng Cờ thi đua Chính phủ

- 18 tập thể và 23 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

- 5 Nhà giáo ưu tú; 4 Thầy thuốc ưu tú

- Hàng nghìn Bằng khen của UBND tỉnh và các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương tặng tập thể và cá nhân.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới