Đã hơn 30 năm, người dân 4 bản di vén lòng hồ thủy điện Hòa Bình, thuộc xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn vẫn phải đi trên con đường, đoạn thì trơ đá hộc, đoạn lại ngập bùn đất, có độ dốc cao, con đường này luôn tiềm ẩn nguy hiểm cho các phương tiện đi lại; khó khăn cho việc thông thương hàng hóa của người dân trong vùng.
Đường về 4 bản di vén lòng hồ thủy điện Hòa Bình, xã Chiềng Chăn rất khó khăn trong việc đi lại.
Những năm 1980-1984, 4 bản: Tà Chan, bản Chiềng, bản Sy, bản Kiếng (xã Chiềng Chăn) di vén để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Sau hơn 30 năm, 4 bản hiện có 296 hộ dân (53 hộ nghèo và cận nghèo) sống dựa vào trồng ngô và sắn. Sau khi di vén, mỗi bản được xây dựng 2 bể nước sinh hoạt tập trung, phòng học, được hỗ trợ gạo, bò giống... Đến năm 2000, tuyến đường được nhà nước mở rộng để ô tô về 4 bản chở hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, là đường đất, độ dốc cao, nên sau vài trận mưa đường bị xói mòn, mặt đường trơ đá hộc, thậm chí thành rãnh sâu giữa đường, khiến các loại phương tiện đi lại khó khăn, ô tô chỉ đi được mấy tháng mùa khô. Hiện nay, chỉ có bản Tà Chan là có 1,4 km đường bê tông nội bản, còn tất cả đều là đường đất.
Anh Lò Văn Tún, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chiềng Chăn kể: Tôi tham gia công tác ở xã đã 27 năm. Chừng đó thời gian, hằng ngày tôi vật lộn với con đường để đi làm, khổ nhất là 6 km đường dốc khó đi và nguy hiểm, khi trời mưa mất cả tiếng đồng hồ mới vượt qua đoạn dốc này, nhiều lần phải bỏ lại xe giữa dốc, hôm sau nhờ người mang về. Để minh chứng cho điều đó, anh Tún đã cùng tôi về 4 bản di vén. Những vũng bùn sau trận mưa của mấy ngày trước đã làm cho mặt đường trơn trượt, có đoạn đá hộc lổn nhổn khiến xe máy xóc long sòng sọc. Đến đoạn dốc, tôi phải ghì chặt tay lái để vượt qua rãnh sâu trên mặt đường và những đoạn trơn trượt ; có đoạn đất sạt lở từ tà luy dương xuống khiến con đường hẹp lại trở nên càng khó đi.
Điểm dừng chân của chúng tôi là gia đình anh Hoàng Văn Lụng, Trưởng bản Chiềng. Anh Lụng nhớ lại: Năm 2005, hai vợ chồng ở bản Tà Chan đưa nhau đi chợ bằng xe máy bị tai nạn, khiến vợ bị tử vong giữa dốc, còn các trường hợp khác bị ngã xây xước tay chân là chuyện bình thường. Khổ nhất là khi gia đình có người ốm, nhà có điều kiện thì thuê thuyền xuôi về xã Tà Hộc khoảng 18 km, sau đó đi tiếp 30 km nữa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Sơn để điều trị, nhưng nhà không có điều kiện thì phải khiêng bệnh nhân vượt tuyến đường đến bệnh viện, nên có trường hợp đã tử vong giữa đường vì không kịp đến bệnh viện để cấp cứu. Đặc biệt, 2 năm nay, cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Chăn không về các bản để khám bệnh, cấp phát thuốc cho người già yếu, với lý do không có mạng internet để cập nhật trực tiếp số liệu trong việc khám bệnh thông tuyến. Cùng với đó, hàng nông sản của bà con cũng khó tiêu thụ, giá thấp vì cước phí vận chuyển cao.
Được biết, Trường THCS Chiềng Chăn (tại trung tâm xã) có khoảng ¼ số học sinh là con em của 4 bản di vén trên. Trong thời gian học, hầu hết các em thuộc 4 bản di vén phải thuê nhà trọ ở hoặc ở nhờ nhà người quen. Vì vậy, việc huy động các em đi học không dễ dàng, đã có nhiều em bỏ học vì đường đi khó khăn lại không có điều kiện ở trọ.
Cũng nói về con đường này, anh Lèo Văn Thoan, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Chăn chia sẻ: Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri các cấp, cử tri 4 bản và xã đều kiến nghị việc đầu tư nâng cấp.
Rất mong các cấp, các ngành sớm quan tâm đầu tư xây dựng con đường để nhân dân các bản di vén lòng hồ thủy điện Hòa Bình thuộc xã Chiềng Chăn đi lại thuận tiện, vận chuyển hàng nông sản, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!