Phong trào trồng cây ăn quả ở bản Noong Xôm

Về bản Noong Xôm, xã Hát Lót (Mai Sơn), cách trung tâm xã khoảng 1 km, chúng tôi theo con đường bê tông rộng rãi, nhận thấy màu xanh mướt của những vườn cây ăn quả như nhãn, xoài, bưởi. Noong Xôm là nơi có diện tích cây ăn quả lớn nhất xã, với 100% gia đình trồng cây ăn quả, nhiều hộ có thu nhập từ 300-800 triệu đồng/năm, góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới của xã.

 

Cây ăn quả đã trở thành cây chủ lực làm giàu ở bản Noong Xôm, xã Hát Lót.

 

Nói về phong trào trồng cây ăn quả của bản, ông Nguyễn Quang Mạnh, Trưởng bản Noong Xôm tự hào: Bản có 60 hộ, 201 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Kinh, chuyển từ huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) lên lập nghiệp từ năm 1978. Trước đây, đời sống của bà con trong bản còn khó khăn, chủ yếu là trồng ngô, sắn, sau này một số hộ chuyển sang trồng cây mía, kết hợp chăn nuôi, một số hộ trồng xen cây ăn quả như nhãn, xoài địa phương. Đến năm 2012, các hộ trong bản bắt đầu cải tạo vườn tạp, áp dụng kỹ thuật trong việc chăm bón cây ăn quả. Trên cơ sở cây nhãn, xoài địa phương, bà con ghép giống nhãn của Hưng Yên, xoài Đài Loan, loại cây chiết ghép này chỉ sau 2 năm đã cho thu quả. Ngoài ra, bà con còn trồng thêm cây ăn quả mới, đến nay, nhiều hộ trong bản đã có thu nhập khá từ trồng cây ăn quả.

Được biết, bản có 100 ha đất tự nhiên, trong đó 85 ha trồng cây ăn quả, gồm 45 ha xoài, 25 ha nhãn, 15 ha bưởi diễn, bưởi da xanh, tổng sản lượng hằng năm khoảng 900 tấn quả và trên 20 vạn quả bưởi, thu khoảng 16 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân ở bản khoảng 70 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ có thu nhập cao từ trồng cây ăn quả, như các gia đình anh: Nguyễn Chí Bình, Lê Văn Việt, Trịnh Hồng Quân... thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. 5 năm về trước, trong bản có 7 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo, thì nay số hộ nghèo đã giảm xuống còn 2 hộ. Nhiều gia đình đã xây dựng được nhà ở khang trang và mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Là một trong những hộ có diện tích cây ăn quả nhiều nhất bản, anh Trịnh Hồng Quân cho biết: Một vụ xoài, nhãn, sau khi trừ chi phí gia đình thu từ 700-800 triệu đồng. Để có được kết quả trên, năm 2013, gia đình đã cải tạo 6 ha vườn tạp, chiết ghép xoài Đài Loan và nhãn Hưng Yên; thực hiện việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật từ khâu bón phân, tỉa cành, phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước, sau 2 năm cây cho thu hoạch quả. Gia đình đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, với mức tiền công 4,5 triệu đồng/người/tháng. Năm vừa qua, gia đình đã thu hoạch 50 tấn xoài và 5 tấn nhãn, sản phẩm đều được các tư thương đến tận vườn thu mua.

Đến thăm vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Bá Tân. Ông Tân kể: Tôi trồng cây ăn quả từ năm 1978, với trên 200 cây xoài, tuy nhiên thời điểm đó, xoài địa phương không được giá. Đến năm 2012, cùng với phong trào cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả của bản, gia đình tôi đã chiết ghép giống xoài Đài Loan vào cây xoài địa phương, do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, 2 năm sau được thu hoạch quả. Năm 2017, gia đình thu hoạch được 20 tấn xoài, trừ chi phí lãi 350 triệu đồng. Tôi còn trồng thêm 30 cây bưởi diễn. Theo ông Tân, mỗi cây bưởi diễn chỉ chiếm khoảng 4 m2, nhưng thu từ 100-150 quả bưởi, với giá bán tại vườn 15.000 đồng/quả, riêng bưởi, trừ chi phí mỗi năm thu 50 triệu đồng. Trồng cây ăn quả đầu tư 2 đến 3 năm đầu, những năm sau chỉ cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong việc chăm sóc, thu hoạch quả.

Thực tế cho thấy, chất đất, khí hậu phù hợp với sự phát triển cây ăn quả ở Noong Xôm. Vì vậy, cấp ủy, Ban Quản lý bản hiện đang khuyến khích bà con duy trì diện tích cây ăn quả và ứng dụng kỹ thuật mới vào chăm bón để tăng năng suất và chất lượng quả. Bên cạnh đó, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, để bà con yên tâm sản xuất, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới