Tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ huyện Mai Sơn đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh vào điều kiện thực tế của địa phương, lãnh đạo nhân dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân trong huyện.
Lê Đình Châu Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện
Nhà máy Xi măng Mai Sơn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương
Đến tháng 6 năm 2016, Đảng bộ huyện Mai Sơn có 87 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, gồm 22 đảng bộ xã, thị trấn, 8 đảng bộ khối cơ quan, trường học, LLVT; 57 chi bộ trực thuộc. Trong thời gian qua, Đảng bộ huyện Mai Sơn luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức. Trong đó, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; quan tâm công tác phát triển Đảng, nhất là ở những địa bàn chưa có đảng viên và chi bộ… Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên. Thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HĐND, UBND, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị…
Từ điều kiện thực tế về tài nguyên đất đai, địa hình, khí hậu thuận lợi cho phát triển đa dạng các lĩnh vực kinh tế, huyện Mai Sơn đã phân thành 4 vùng kinh tế rõ rệt: Vùng quốc lộ 6 gồm các xã: Cò Nòi, thị trấn Hát lót, Chiềng Mung, Mường Bằng, Mường Bon, Chiềng Lương và xã Hát Lót - Là vùng kinh tế trọng điểm của huyện. Vùng quốc lộ 4G, gồm: Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Kheo, Chiềng Ve, Chiềng Dong, Chiềng Chung và Mường Chanh. Vùng lòng hồ sông Đà có các xã: Chiềng Chăn, Tà Hộc, Nà Bó, Chiềng Sung. Vùng cao biên giới gồm 4 xã: Phiêng Pằn, Nà Ớt, Phiêng Cằm, Chiềng Nơi. Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Mai Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị lãnh đạo nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để phát triển kinh tế, xã hội. Trong quá trình đó, lựa chọn khâu đột phá, tăng cường chuyển dịch kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập trung xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Riêng vùng quốc lộ 6, đầu tư phát triển cây công nghiệp, đáp ứng đủ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến công nghiệp, nâng giá trị thu nhập bình quân trên diện tích đất canh tác lên 45 triệu đồng/ha. Mặt khác, hình thành một số trang trại chăn nuôi tập trung quy mô vừa và lớn. Phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản và các loại hình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải… góp phần thúc đẩy các vùng kinh tế khác phát triển. Vùng quốc lộ 4G, hình thành rõ nét vùng sản xuất chuyên canh cây, con chủ lực như: Sắn công nghiệp, cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác đạt 38 triệu đồng/ha/năm 2015. Nhân dân vùng hồ sông Đà tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ, nâng giá trị thu nhập lên 33 triệu đồng/ha đất canh tác. 4 xã vùng cao biên giới, tiếp tục làm tốt công tác định canh định cư, bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ; chuyển đổi sang trồng một số cây công nghiệp… Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp toàn huyện tăng bình quân 7,9%/năm (năm 2015 đạt 1.660,12 tỷ đồng). Đến hết năm 2015, tổng diện tích cây công nghiệp chủ lực đạt 10.800 ha. Đã triển khai thí điểm tốt mô hình tưới ẩm bằng công nghệ Isarell cho cây cà phê và cây ăn quả tại xã Chiềng Ban; phát huy hiệu quả mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap tại HTX Nông nghiệp Mai Tiên (xã Mường Bon) và HTX Dịch vụ thương mại - nông nghiệp Thanh Sơn (xã Cò Nòi)… Lĩnh vực chăn nuôi phát triển tập trung theo mô hình trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Công tác trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ phát triển rừng được triển khai tích cực theo hướng bền vững, độ che phủ rừng đạt 44%. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh. Các nhà máy xi măng, mía đường, tinh bột sắn hoạt động ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động địa phương và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại được quan tâm, tạo điều kiện cho nhân dân tiêu thụ sản phẩm. Các ngành dịch vụ phát triển cả về loại hình và quy mô, hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Công tác thu ngân sách trên địa bàn đạt được kết quả quan trọng. Riêng năm 2015, thu ngân sách trên địa bàn đạt 73,73 tỷ đồng.
Phát huy hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của nhà nước, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn trên địa bàn huyện. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng gần 700 công trình đường giao thông, trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, bản... Hiện 22/22 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia; hoàn thiện một số khu dân cư mới trên địa bàn thị trấn Hát Lót, bảo đảm điều kiện để nâng cấp Thị trấn thành đô thị loại IV. Sau 4 năm thực hiện phong trào làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 40, 41 và 63 của HĐND tỉnh khóa XIII, đã bê tông hóa trên 134 km đường giao thông nông thôn; 100% số bản có đường ô tô; 18/22 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm xã. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước với huy động nội lực trong nhân dân để triển khai phù hợp với điều kiện, khả năng của huyện. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được tăng cường, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tính đến hết tháng 6 năm 2016, huyện có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt từ 10-12 tiêu chí, 11 xã đạt 5-9 tiêu chí và 5 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ. Giáo dục-đào tạo bước đầu thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện; chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn có nhiều tiến bộ. Hiện toàn huyện có 25 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đúng mức; 54,5% số xã, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển sâu rộng; hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.v.v.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 xác định rõ: Đến năm 2020, thu nhập bình quân khoảng 40 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới dưới 10%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 115 tỷ đồng; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm đi được 4 mùa; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng cấp thị trấn Hát Lót thành đô thị loại IV; tỷ lệ che phủ rừng đạt 47%; trên 32% trường học đạt chuẩn Quốc gia; hơn 70% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế… Phát huy những kết quả đã đạt được, cùng với sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của nhân dân trong huyện, tin rằng Mai Sơn sẽ sớm trở thành huyện phát triển khá trong tỉnh./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!