Nhà nông thời công nghệ 4.0

Trước đây, nhắc đến người nông dân, người ta thường nghĩ đến cảnh “chân lấm tay bùn”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên đồng ruộng, nương đồi. Nhưng nay, khi công nghệ thông tin dần phát triển ở vùng nông thôn, nhà nông đã và đang tiếp cận, sử dụng mạng xã hội để kết nối và phát triển mối hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập. Đó cũng là cách làm mà người nông dân Tân Thảo, xã Cò Nòi (Mai Sơn) sử dụng để có cuộc sống khá giả hơn.

Mô hình trồng dâu tây của người dân Tân Thảo, xã Cò Nòi (Mai Sơn).

Đứng trên đỉnh đồi cao nhất của khu Tân Thảo nhìn xuống là những vườn dâu tây quả đỏ rực nổi bật trên nền lá xanh mướt, những nhà nông đang tất bật thu hoạch những lượt quả đầu tiên của vụ dâu tây năm nay. Được biết, cây dâu tây “nhập cư” về bản Xuân Quế, Tân Quế và tiểu khu Huổi Dương (khu Tân Thảo) đã gần 8 năm. Đến nay, tổng diện tích trồng dâu của khu tăng lên 17 ha. Mỗi năm, cứ gần Tết là lúc cây dâu tây ra quả nhiều và ngon nhất, nên những người nông dân khu Tân Thảo lại bận rộn hơn, từ chăm sóc vườn dâu, thu hoạch quả, xếp quả, đóng gói, vận chuyển đi tiêu thụ, cho đến lên kế hoạch giới thiệu và bán sản phẩm trên các trang mạng xã hội.

Còn nhớ, trước khi biết sử dụng mạng xã hội để bán hàng, đa số người dân trong bản thường đặt bàn, treo biển bán dâu tây trước cửa nhà. Một số hộ xếp quả dâu vào thùng và chở ra chợ huyện hay lên Thành phố để bán, song số lượng tiêu thụ không nhiều, trong khi đó, quả dâu lại không để được lâu, nhanh hỏng, dễ gây tổn thất cho nhà nông. Những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển, nhu cầu mua, bán qua mạng ngày càng tăng, tận dụng ưu điểm của các trang mạng và nắm bắt nhu cầu của người mua, nhiều người dân trong khu Tân Thảo đã sử dụng mạng xã hội để kinh doanh. Từ quả dâu tươi, cây dâu giống, cây dâu cảnh, đến các phụ phẩm từ quả dâu như: dâu phơi khô, siro dâu, rượu dâu, sữa chua dâu tây... cũng được tiếp thị và quảng bá rộng rãi. Lượng khách hàng đặt hàng ngày càng nhiều, sản lượng tiêu thụ cũng ngày một tăng, thương hiệu dâu tây của vùng  được nhiều người biết tới.

Chúng tôi có mặt tại gia đình chị Hoàng Khánh Linh, tiểu khu Huổi Dương. Bên bếp củi rực lửa, vừa trông nồi bánh chưng đang sôi, chị Linh vừa luôn tay trả lời tin nhắn từ khách mua lẻ, mua buôn dâu tây. Chị Linh chia sẻ: Dịp này, khách mua lẻ, mua buôn dâu tây nhiều lắm. Trung bình mỗi ngày tôi bán được từ 8-10 kg dâu qua các đơn đặt hàng qua mạng, chủ yếu là khách ở thành phố Sơn La, Hà Nội và các tỉnh, thành khác. Rồi chị kể: Ban đầu, tôi đăng bán các sản phẩm từ dâu tây trên trang cá nhân trên Facebook, sau đó, đăng thử trên các hội, nhóm như: Hội các bà mẹ bỉm sữa, mẹ và bé, các chợ online, hội buôn cây ăn quả,... Lúc đầu, nhiều người chỉ đặt mua 1-2 kg để ăn, sau đó giới thiệu bạn bè cùng mua, sau một thời gian có khách hàng đã trở thành “đại lý” của tôi tại các tỉnh, nhờ đó sản lượng tiêu thụ ngày một tăng, thu nhập của gia đình khá hơn rất nhiều. Có những ngày lượng đơn đặt hàng lớn, quả dâu không kịp chín để hái trả khách, tôi phải giới thiệu khách cho một số hộ trồng khác trong tiểu khu.

Hiểu được tâm lý “Trăm nghe không bằng một thấy” và chuộng sản phẩm nhà trồng của khách hàng, chị Linh đã dùng ứng dụng phát trực tiếp video clip trên mạng xã hội để truyền tải các đoạn hình ảnh: Tự tay chăm sóc vườn dâu, hái dâu cho khách; hình ảnh gia đình chị cùng con trai 3 tuổi ăn những quả dâu hái từ vườn; làm sinh tố dâu tây, sữa chua dâu cho chồng con ăn... Thấy hiệu quả, nhiều hộ trồng dâu khác trong khu cũng tận dụng mạng xã hội để tiếp thị, quảng bá và bán hàng. Như gia đình ông Đỗ Mạnh Cường, tiểu khu Huổi Dương, nhờ sử dụng mạng xã hội để đăng tải những đoạn clip ghi lại hình ảnh về đồi dâu trái tim, mà nhiều người biết tới “phố dâu” Tân Thảo hơn. Ông mong muốn thu hút thêm nhiều lượt du khách tới tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm hái dâu và mua dâu tại vườn. Chính nhờ sự sáng tạo cách thức quảng bá, bán hàng hiệu quả, không chỉ với cây dâu tây, mà với cả các loại cây trồng khác như bưởi diễn, nhãn chín muộn, na dai, xoài... đã tạo thương hiệu, nâng cao uy tín về các loại cây ăn quả trong vùng.

Trong câu chuyện về sử dụng mạng xã hội để bán hàng, ông Lò Văn Thắng,  Chủ tịch UBND xã Cò Nòi phấn khởi: Việc những người nông dân chủ động tìm hiểu, ứng dụng mạng xã hội để phát triển kinh doanh là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển đi lên của toàn xã. Cũng nhờ thay đổi được cách nghĩ, cách làm, từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, năm qua, nhiều hộ dân trong xã có thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm; nâng thu nhập bình quân lên 30,5 triệu đồng/ người/năm; toàn xã giảm gần 60 hộ nghèo. Hiện, xã Cò Nòi đạt 16/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.

“Nhà nông thời công nghệ” khu Tân Thảo không chỉ giỏi sản xuất, mà còn mạnh kinh doanh; năng động, sáng tạo trong việc tận dụng hiệu quả mạng xã hội để tạo mối hàng, tăng sản lượng, tăng doanh thu cho gia đình, để mùa xuân mới năm nay rộn ràng hơn.

Lê Hạnh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới