Người nông dân với mô hình tưới nhỏ giọt sáng tạo

Những ngày giáp tết, chúng tôi đến bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban (Mai Sơn), con đường bê tông trải dài, uốn lượn ôm lấy những đồi cà phê xanh mướt. Trong tia nắng ban mai, những vườn cam, bưởi đang vào độ chín ánh lên màu vàng óng ả, góp phần tô điểm thêm bức tranh nông thôn mới nơi đây.

Bể chứa nước trong hệ thống tưới nhỏ giọt của ông Đoàn Đắc Năm.

Mục đích của chuyến đi lần này của chúng tôi là tìm đến thăm mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cam của gia đình ông Đoàn Đắc Năm, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban. Bên những vườn cam sai trĩu quả, người đàn ông với vóc dáng săn chắc, trẻ trung tươi cười đón chúng tôi. Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài, không ai nghĩ ông năm nay đã ngoài 50 tuổi. Mời chúng tôi vào nhà, rót chén trà thơm mời khách, ông Năm chia sẻ những thăng trầm về quá trình lập thân lập nghiệp của mình. Ông sinh năm 1965, sau thời gian đi học, ông được phân công về công tác ở Đoàn địa chất 305, thuộc Liên đoàn 3, Phú Thọ đóng tại huyện Mai Sơn. Năm 1992, ông nghỉ chế độ và chuyển nghề làm thợ mộc kiêm xây dựng. Khi đã tích lũy được một chút vốn, năm 1998, ông mua mảnh đất rộng 1,4 ha ở bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, đây cũng chính là cơ duyên đưa ông đến với nông nghiệp. Những ngày đầu, gia đình ông trồng mía, cà phê, nhưng qua một thời gian dài gắn bó với 2 loại cây trồng trên, ông thấy chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Với những kinh nghiệm tích lũy được từ những năm còn làm trong ngành địa chất, ông Năm nhận thấy, điều kiện tự nhiên ở Chiềng Ban rất phù hợp trồng các loại cây ăn quả có múi. Năm 2015, ông đầu tư 150 triệu đồng mua 800 cây cam giống lòng vàng V1, V2 và 400 cây bưởi Hoàng, bưởi da xanh về trồng. Do vùng đất chịu nhiều nắng hạn nên việc tưới ẩm cho cây làm ông trăn trở. Vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm và ông tâm đắc với mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Nhưng, việc đầu tư hệ thống tưới theo công nghệ Israel cho 1,4 ha của gia đình sẽ tốn khoảng gần 100 triệu đồng, ông nảy ra ý tưởng làm hệ thống tưới nhỏ giọt dựa trên sự chênh lệch áp suất nước. Nghĩ là làm, ông Năm đầu tư 20 triệu đồng mua ống nước và các thiết bị cần thiết để thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt theo ý tưởng của mình.

Dẫn chúng tôi đi xem hệ thống tưới nhỏ giọt do mình tự chế tạo, ông Năm giới thiệu: Hệ thống gồm có 1 bể chứa nước thể tích 50 m3, một van tổng đấu vào bể chứa nước cấp nước cho cả vườn cây, nước từ van tổng được dẫn đến các ống nhánh nằm ở đầu các hàng cây; từ ống nhánh, nước đi qua các hệ thống khóa rồi đi vào các ống dẫn nước đã được đấu vuông góc với các ống nhánh để đến từng gốc cây, tại mỗi gốc cây nơi ống dẫn nước đi qua, ông năm khoan một lỗ nhỏ chừng 0,7 - 1 mm để nước chảy nhỏ giọt vào các cây theo ý muốn.

Ông Năm chia sẻ thêm: Mấu chốt của hệ thống tưới nhỏ giọt của tôi là sử dụng bể chứa nước đặt ở vị trí cao hơn các đường ống dẫn nước, chính sự chênh lệch về độ cao tạo ra áp suất tự nhiên để đẩy nước từ bể chảy qua các đường ống nhánh rồi từ đó chảy qua các ống dẫn nước trực tiếp đến các vị trí cây ăn quả mà không cần sử dụng hệ thống bơm tăng áp. Toàn bộ hệ thống van khóa nước có tác dụng điều chỉnh lượng nước và vị trí tưới theo ý muốn. Các loại cây ăn quả rất phù hợp với loại phân bón hữu cơ như hạt đậu tương ngâm và một số loại thân cây cỏ ngâm hoai mục, tính toán trước điều đó, tôi thiết kế hệ thống màng lọc để lọc các cặn, bã của đậu tương ngâm khi hòa vào bể nước tưới cho vườn cây, chính nhờ có hệ thống lọc này nên các ống nước tưới rất ít khi bị tắc và đóng cặn. Sau 2 năm trồng và chăm sóc vườn cam của gia đình đã cho thu hoạch, sản lượng cam thu hoạch năm nay ước đạt 10 tấn với giá bán trung bình từ 35.000 đồng đến 40.000 đồng/1 kg thì vườn cam sẽ cho thu về từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng.

Hiệu quả của mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel là rất rõ, nhưng với những gia đình nông dân còn khó khăn về kinh tế thì việc chỉ bỏ ra 20 triệu đồng để làm hệ thống tưới như của ông Năm cũng sẽ là lựa chọn phù hợp so với việc bỏ ra chi phí từ 60-70 triệu đồng để làm hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho 1 ha.

Ông Hoàng Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, cho biết: Hiệu quả mô hình tưới nhỏ giọt của ông Năm đã được chứng minh qua sự phát triển của vườn cây ăn quả của chính nhà ông. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp cùng với ông Năm để hỗ trợ các gia đình trồng cây ăn quả có điều kiện tự nhiên phù hợp để làm hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của ông Năm. Mô hình của ông Năm rất đơn giản nhưng lại mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thực tế của một số hộ nông dân.

Chia tay ông Năm và vườn cây phủ kín màu vàng óng của những trái cam đang vào mùa, chúng tôi cảm phục hơn tinh thần yêu lao động và sự năng động, sáng tạo trong cuộc sống ngày thường của những người nông dân - những “Nhà sáng chế không chuyên”.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới