Địa danh Ngã ba Cò Nòi có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với những người đã từng sống và trực tiếp chiến đấu tại Ngã ba Cò Nòi năm xưa, mà nó còn nguyên giá trị to lớn trong việc giáo dục lịch sử, lòng tự hào dân tộc, ý chí kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc, bởi nơi đây còn mãi lưu dấu ấn về những chiến công anh dũng, sự hy sinh cao cả của bộ đội, công binh, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Câu chuyện của người cựu TNXP
Khi hỏi thăm gia đình bác Nguyễn Trung Thành, cựu TNXP ở Ngã ba Cò Nòi, nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, hiện cư trú tại tổ 9, phường Tô Hiệu (Thành phố), tôi được mọi người chỉ dẫn rất cẩn thận, từ đường đi, ngõ phố rồi lối rẽ vào nhà, khiến tôi cảm nhận được tình cảm, sự thân thiện, quý trọng của họ giành cho bác và gia đình. Vợ chồng bác Thành đang ở cùng con trai trong ngôi nhà xây 2 tầng, sát chân đồi Khau Cả. Thấy có khách, cô cháu gái gọi vọng lên gác: Ông ơi, có người tìm ông ạ. Không thấy tiếng trả lời, cô cháu gái cẩn thận dẫn tôi lên gác, vừa đi vừa thông tin: Ông cháu năm nay 88 tuổi rồi, thường ở trong phòng, ít ra ngoài lắm ạ. Quả có thế, trước mặt tôi là hai cụ già tóc bạc trắng, hai ông bà có lẽ đang hàn huyên gì đó. Tôi quan sát thấy căn phòng khách treo kín Huân chương, Huy hiệu Đảng, Bằng khen, những tấm ảnh…, nổi bật nhất là hai bức ảnh khổ to, một chụp toàn cảnh Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi và một chụp Đoàn công tác của tỉnh Sơn La chụp ảnh lưu niệm tại gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội.
Đến năm 2019 này, có lẽ những nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đều đã cao tuổi, nhưng nghe bác Thành nói chuyện, tôi vẫn thấy toát lên sự minh mẫn đến lạ thường. Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng những vùng đất, tên người đã trở thành nhân chứng lịch sử, vẫn khắc đậm trong tâm trí những người lính từng trải qua những tháng ngày bom đạn ác liệt. Qua câu chuyện của bác Thành, một thời máu lửa cứ hiện ra như những thước phim tư liệu: Hồi trong đơn vị TNXP tại Ngã ba Cò Nòi, tôi đảm nhiệm nhiệm vụ gác bom, phá bom. Sau đó làm công tác tuyên huấn ở Đoàn 40 đến hết chiến dịch. Ngày đó, địch thường đánh vào lực lượng bảo vệ đường, các đài quan sát và lực lượng sửa đường. Chúng ném xuống cơ man các loại bom: Bom phá đường, bom cháy, bom bươm bướm, bom nổ chậm... Tổ phá bom phân công người quan sát từ sáng đến tối để theo dõi hoạt động của máy bay địch; đồng thời, xác định, đánh dấu vị trí có bom nổ chậm để báo cho công binh phá nổ, nhanh chóng giải phóng đường...
Bác Thành bảo, giờ phút đến gần quả bom nổ chậm hồi hộp lắm, vì sự sống và cái chết mong manh trong gang tấc. Có những quả bom chui sâu vào lòng đất, chọc thuốn mãi không thấy, phải đào những hố sâu đến vài mét mới tìm ra. Phá bom cũng cực lắm, trên trời máy bay địch quần thảo, có quả giật mìn để phá nhưng mìn không nổ, lại phải tiếp tục làm lại, rồi mới đào đến quả khác. Nguy hiểm là vậy, nhưng các chiến sĩ công binh vẫn rất bình thản, bởi tinh thần yêu nước, căm thù địch của họ rất sâu sắc, quyết phá bom bằng được để thông đường ra trận.
Bác Nguyễn Trung Thành kể về những kỷ niệm thời tham gia TNXP tại Ngã ba Cò Nòi.
Bác Thành kể về kỷ niệm cùng Đoàn công tác của tỉnh Sơn La thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyễn Giáp tại Hà Nội.
Căn phòng bỗng trở nên yên lặng, tôi cảm nhận được cả tiếng gió thổi xào xạc qua những khóm tre, rặng cây lát sau vườn nhà... khi bác Thành nhắc về những đồng đội xưa, cùng những ấn tượng, kỷ niệm không thể quên. Lặng người, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Bác gái ngồi cạnh vội lấy tay xoa xoa vai bác Thành như động viên, an ủi. Kìm nén xúc động, rồi bác đọc tôi nghe một đoạn trong bài thơ bác viết về những người đồng đội: “…Thực dân Pháp dã man tàn bạo/Hàng nghìn quả bom trút xuống ngã ba này/Hố bom còn đó, mảnh bom còn đây/Giặc giết các anh lúc tuổi còn rất trẻ…”. Bác Thành bảo cũng sáng tác được hơn chục bài thơ về Ngã ba Cò Nòi thời kỳ đó, nhưng không lưu giữ được. Lặng đi một hồi, bác đọc tiếp: “Bom gì cũng phá hết/Đường đứt nối lại ngay/Dù mưa nắng, đêm ngày/Đều thông xe ra trận/Đêm mưa rừng ngủ lán/Vừa hẹn với nhau rằng/Khi kháng chiến thành công/Về quê nhau chơi nhé/Chưa kịp về thăm mẹ/Truyền hơi ấm vào tay/Đã hy sinh tại đây/Con mẹ là liệt sĩ”;“Dù anh ở đâu cũng chung nỗi đau lòng mẹ/Bên bờ sông Lam, sông Mã, sông La/Hôm nay, anh ở trong lòng nhân dân các dân tộc Sơn La/Ghi nhớ công anh đền ơn đáp nghĩa/Ngã ba Cò Nòi xây đài tưởng niệm/Nơi các anh yên giấc ngủ phiêu du”... đọc đến đây, bác Thành bật khóc thành tiếng. Tôi cũng xúc động, không cầm được nước mắt.
Một góc Ngã ba Cò Nòi với Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP
tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (khởi công ngày 22/10/2000, hoàn thành ngày 7/5/2002).
Cuộc gặp gỡ với người cựu TNXP Ngã ba Cò Nòi ngày nào để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu lắng. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta kết thúc đã hơn 60 năm, gần bằng một đời người, nhưng những dư âm về sự gian khổ, ác liệt, những cống hiến, hy sinh to lớn của cả dân tộc và chiến công vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chấn động địa cầu vẫn còn đó, vang vọng mãi mãi với thời gian.
Vang mãi bản anh hùng ca
Trong tác phẩm “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử” - Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn: …“Tới ngã ba Cò Nòi, có cảm giác như đã ở mặt trận. Đây là nơi gặp nhau của các trục đường 13 và đường 41 nối liền với đường số 6 từ Hà Nội lên suối Rút. Các con đường tới đây đã biến đi dưới những hố bom. Kể cả những đồi núi chung quanh cũng chỉ còn là một màu đất đỏ. Dân công tiếp tục san đất sửa đường cho xe qua. Công việc luôn luôn bị đứt quãng vì máy bay tới ném bom, thả pháo sáng. Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua... Trên những chiếc cầu tre mảnh khảnh, hoặc những cầu gỗ ghép bằng thân cây của công binh mới bắc qua suối, những chị dân công đòn gánh cong oằn vì gạo, đạn, cười nói vui vẻ vượt qua. Những anh dân công xe thồ lầm lũi điều khiển chú "voi con" đi thoăn thoắt trên đường. Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mông từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng gánh, người Thái, người Dao gùi, chấm phá thêm màu sắc cho bức tranh liên hoàn dài vô tận. Lại có cả những đàn bò nghênh ngang, những chú lợn chạy lon ton dưới sự dẫn dắt kiên nhẫn của những chiến sĩ cung cấp, cũng đi ra mặt trận...”.
Để tìm hiểu kỹ hơn về Ngã ba Cò Nòi anh hùng, chúng tôi tìm gặp đồng chí Vương Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử của tỉnh. Theo đồng chí, Ngã ba Cò Nòi ngày ấy là tọa độ lửa trên đường 41 (Quốc lộ 6 ngày nay). Ngã ba Cò Nòi có diện tích khoảng 120 ha trải dài theo thung lũng, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường cản trở giao thông. Chính vì vị trí hiểm yếu và quan trọng đó mà máy bay giặc Pháp liên tục đánh phá Ngã ba Cò Nòi, nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường Điện Biên Phủ. Ngày 13/3/1954, đợt tiến công thứ nhất vào Điện Biên Phủ bắt đầu, quân Pháp không đánh rải rác khắp nơi như trước, chúng tập trung máy bay, bom đạn đánh phá đường tiếp tế của ta từ Cò Nòi trở lên. Lúc đầu chúng rải các loại bom phá, bom nổ chậm, bom na-pan... Các đơn vị của ta luôn phải thay đổi địa điểm đóng quân, ở phân tán và ngụy trang kỹ. Tại Ngã ba Cò Nòi, bom đạn địch rải dày đặc, cứ 13 phút, chúng lại ném bom bắn phá một lần, ngày cũng như đêm, có ngày chúng thả tới 300 quả bom các loại. Nơi này được mệnh danh là “túi bom”, “chảo lửa”, “cửa tử”... Có đợt chúng đánh phá 2-3 tuần liên tục, ném bom rải thảm kết hợp nhiều loại bom trong một trận, nhằm hủy diệt lực lượng và làm tê liệt giao thông của ta. Đội 34 và Đội 40 của Tổng đội thanh niên xung phong được lệnh thường trực tại Ngã ba Cò Nòi. Bất chấp nguy hiểm, thanh niên xung phong thường xuyên trụ vững tại đây để làm đường, sửa đường, đảm bảo giao thông thông suốt. Địch xảo quyệt thay đổi nhiều cách đánh nguy hiểm hơn, chúng ném cùng một lúc bom nổ, bom nổ chậm, bom na-pan và bom bươm bướm. Tướng Na-va quyết biến điểm nút Ngã ba Cò Nòi thành một bãi lầy để ngăn cản dòng người, dòng xe pháo đi lên chiến dịch. Từ tháng 3/1954 đến kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, không ngày nào ngừng tiếng bom của giặc Pháp ném xuống nơi này.
Bom nổ chậm của giặc Pháp tại Nhà trưng bày hiện vật Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP Ngã ba Cò Nòi.
Cũng vẫn những thông tin từ đồng chí Vương Ngọc Oanh cung cấp, theo số liệu ngành Công binh tổng kết, trung bình mỗi ngày không quân Pháp ném xuống đây 69 tấn bom các loại. Với khẩu hiệu “TNXP có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, “Không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”… cứ sau mỗi trận địch đánh phá, thả bom phá đường, anh em TNXP lập tức ra mặt đường làm nhiệm vụ. Trong suốt những ngày đó, anh em trong các đội TNXP ngày đêm chiến đấu, giành giật với quân địch từng giờ, từng phút, vừa phá bom nổ chậm, vừa san lấp hố bom khôi phục mặt đường. Hôm nào trời mưa, đất lầy nhão, anh em chặt cây mang đến chống lầy, chống lún, làm lại cầu, mở đường tránh… Có những đêm mưa rét, TNXP nhịn đói, dùng sức người đẩy ô tô chết máy qua đèo. Nhiều hôm, trận bom này vừa dứt, anh em đang phá bom, lấp đường thì địch đến thả tiếp đợt khác, 100 người đã ngã xuống đất này. Nhưng với ý chí quyết chiến quyết thắng, lực lượng TNXP không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh, vững vàng đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt.
Xẻng, choòng, búa - những vật dụng phá bom nổ chậm, lấp hố, nối đường
tại Nhà trưng bày hiện vật Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP Ngã ba Cò Nòi.
Nhiều chiến sỹ TNXP gan dạ, quả cảm đã mãi mãi ra đi, mang trong tim nhiệt huyết, khát vọng, ước mơ của tuổi trẻ, chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc. Những chiến công, hy sinh của các anh, các chị đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam. Máu của các anh chị tô thắm thêm màu cờ của Tổ quốc.
(Còn nữa)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!