Nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể ở Mai Sơn

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tổ hợp tác và HTX trên địa bàn huyện Mai Sơn tăng mạnh về cả số lượng và chất lượng, hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH trên địa bàn huyện.

Mô hình trồng chanh leo của HTX Thương binh 27-7, xã Hát Lót (Mai Sơn).

Để hỗ trợ các tổ hợp tác và HTX duy trì hoạt động hiệu quả, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và lồng ghép các nguồn vốn với trên 8,6 tỷ đồng hỗ trợ thành lập mới 15 HTX; xây dựng 3 vườn ươm cây ăn quả; hỗ trợ ghép cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả; xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi; tổ chức các lớp tập huấn; hỗ trợ bao bì, tem, nhãn truy xuất nguồn gốc... Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012 và các HTX đăng ký thành lập mới. Tổ chức và vận động các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; triển khai hiệu quả các chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn, tổng số vốn đã giải ngân cho các HTX vay gần 6 tỷ đồng...

Chỉ sau hơn 2 năm thành lập, HTX nông nghiệp sinh thái Nà Sản đã không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vươn lên là một trong những HTX tiêu biểu trên địa bàn huyện Mai Sơn. Ông Vũ Xuân Thành, Giám đốc HTX nông nghiệp sinh thái Nà Sản, cho biết: Trong 2 năm qua, HTX đã được tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng triển khai mô hình tưới ẩm 3 ha đối với vườn cây ăn quả; hỗ trợ 200 triệu đồng làm nhà màng rộng 1.000 m² trồng dâu tây Nhật Bản theo hướng hữu cơ; hỗ trợ tem nhãn, bao bì, trích xuất nguồn gốc; hỗ trợ men ủ phân hữu cơ và xây dựng mô hình trồng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP... Ngoài ra, được tạo điều kiện tham gia các hoạt động thương mại, xúc tiến đầu tư, HTX đã tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương và tiếp cận, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, cung cấp nông sản cho chuỗi các cửa hàng thực phẩm an toàn các tỉnh, thành trên cả nước. HTX đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất các loại cây trồng; ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, HTX có 15 ha trồng cây ăn quả các loại, trong đó, hơn 10 ha được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, phát triển cây trồng ngắn ngày, HTX trồng thêm 3.000 m² dâu tây Nhật Bản sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2018, tổng doanh thu của HTX đạt khoảng 6 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 450 triệu đồng/ha, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Từ các chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, các HTX thành lập theo Luật HTX năm 2003 cơ bản đã được chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012, tổ chức bộ máy ngắn gọn, gắn quyền lợi và trách nhiệm của người đứng đầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, tỷ lệ các HTX giải thể do hoạt động kém hiệu quả giảm. Điểm nổi bật, các HTX đã chủ động liên kết, hình thành liên hiệp HTX để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông sản, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ thành viên HTX. Đến nay, toàn huyện có 244 tổ hợp tác, tăng 96 tổ hợp tác so với năm 2003; 99 HTX và 1 liên hiệp HTX, tăng 93 HTX so với năm 2003, với tổng vốn đăng ký của các HTX là 226,5 tỷ đồng. Hằng năm, doanh thu của các HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp bình quân trên 1,2 tỷ đồng/năm và lĩnh vực khác thu nhập bình quân 0,8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 3,5-4,8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, đã có 82,8% HTX thực hiện kê khai mã số thuế; hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các HTX thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách Nhà nước gần 176 tỷ đồng.

Từ thực tiễn cho thấy, các mô hình kinh tế tập thể ở huyện Mai Sơn đã có những chuyển biến tích cực, các HTX cơ bản khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, chất lượng hoạt động ổn định và có tính bền vững, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới