Chúng tôi về thăm quê hương cách mạng Mường Chanh (Mai Sơn). Trên con đường tỉnh 117 từ Thành phố qua suối nước nóng bản Mòng (xã Hua La) đi gần 20 km là đến xã. Mường Chanh hôm nay đã có nhiều đổi thay trên mọi lĩnh vực, mang diện mạo của vùng quê nông thôn mới.
Một góc của xã Mường Chanh (Mai Sơn) hôm nay.
Cùng đồng chí Lò Văn Bok, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh vào thăm nhà truyền thống văn hóa xã, nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, chúng tôi thêm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước. Cách đây 73 năm, Mường Chanh được chọn là khu căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh, tạo địa điểm liên lạc với Trung ương và là nơi trú chân của các chiến sỹ cách mạng khi vượt ngục. Cuối năm 1943, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Nhà tù Sơn La, Tổ thanh niên cứu quốc Mường Chanh được thành lập, nhanh chóng thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Trên cơ sở đội tự vệ bí mật trước đây, Ban lãnh đạo căn cứ Mường Chanh đã quyết định thành lập trung đội du kích vũ trang trên 60 người, do đồng chí Lê Trung Toản và Cầm Vĩnh Tri chỉ huy. Để tập hợp đông đảo quần chúng, Ban lãnh đạo căn cứ Mường Chanh quyết định thành lập Hội “Người Thái cứu quốc” do đồng chí Chu Văn Thịnh và một số cán bộ trung kiên phụ trách.
Phát huy truyền thống cách mạng, trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhân dân xã Mường Chanh đã đoàn kết, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Đảng bộ, chính quyền xã đã lãnh đạo nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, Mường Chanh được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào thuận lợi trong việc thâm canh gần 140 ha lúa, năng suất đạt gần 7 tấn/ha, trong đó có hơn 100 ha lúa nếp tan thơm, dẻo có tiếng. Đặc biệt, trong 5 năm (2011-2016), bà con tích cực chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn sang trồng cây cà phê, hiện xã có gần 450 ha cà phê, vụ năm 2017, sản lượng đạt hơn 3.500 tấn quả tươi, nhiều gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng cà phê. Xã còn duy trì hơn 10 ha trồng cỏ đảm bảo thức ăn thường xuyên cho trên 600 con trâu, bò nuôi nhốt chuồng làm hàng hóa. Ngoài ra, còn có hơn 1.200 con lợn trên 2 tháng tuổi, gần 600 con dê và 14.630 con gia cầm các loại. Thu nhập bình quân năm 2017 đạt hơn 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 11%.
Dấu ấn của năm 2018 là Mường Chanh đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, bộ mặt xã có nhiều đổi thay, đơn cử như công trình nhà văn hóa xã và 12 nhà văn hóa bản có diện tích từ 200 m2 trở lên, là nơi sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí của nhân dân; tuyến đường rải nhựa nối từ trung tâm xã tới bản Pom Sản, Nà Cà, Lọng Nặm khang trang, sạch đẹp. Sau này, tuyến đường này sẽ nối liền với xã Bản Lầm (Thuận Châu), đây là điều kiện để việc giao thương hàng hóa và đi lại của nhân dân thuận lợi hơn...
Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, người dân Mường Chanh luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội từng bước được xóa bỏ. Qua bình xét hằng năm, xã có hơn 650 hộ được công nhận gia đình văn hóa; 11/19 bản đạt danh hiệu bản văn hóa 3 năm liên tục; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, nhiều cháu thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học...
Chúng tôi về bản Nong Ten gặp ông Lò Văn Kạt, Bí thư chi bộ bản. Qua trò chuyện được biết, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong bản luôn đoàn kết khắc phục khó khăn, hăng say lao động sản xuất, nâng cao mức sống. Ông Kạt tự hào: Số hộ nghèo của bản giảm từ 6 hộ năm 2016 xuống còn 1 hộ. 100% số gia đình được dùng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn... Đời sống bây giờ tốt hơn trước nhiều lắm.
Khu căn cứ cách mạng năm xưa - Mường Chanh hôm nay đang thay đổi từng ngày. Người dân nơi đây đoàn kết, đồng tâm, đồng sức xây dựng Mường Chanh ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!