Khi những cơn mưa mùa hạ đổ trắng trên nương cà phê cũng là lúc bà con các xã trồng cà phê ở huyện Mai Sơn bắt đầu mùa săn ve sữa. Săn ve sữa vừa tăng thêm thu nhập cho người dân lại góp phần bảo vệ cây trồng.
Người dân bán ve sữa tại chợ Chiềng Mung (Mai Sơn).
Vài năm trở lại đây, món ve sữa chiên giòn đã trở thành đặc sản tại các quán bia, quán ẩm thực dân tộc, là món khoái khẩu với thực khách trong và ngoài tỉnh. Ở các chợ trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thành phố, những con ve sữa ngâm trong nước được bày bán khá phổ biến. Hỏi chuyện những người bán ve sữa tại chợ Chiềng Mung (Mai Sơn) được biết: Ve sữa là những con ve non chưa lột xác, ẩn mình dưới lòng đất, chỉ xuất hiện trong mùa mưa (từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8) tập trung nhiều ở các xã trồng cà phê như: Chiềng Mung, Chiềng Chung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Mường Chanh; mới xuất hiện nhiều trong 3 năm trở lại đây và trở thành hàng hóa.
Theo chân chị Lò Thị Hiếu, bản Cượm, xã Chiềng Mung đi săn ve sữa vào một buổi sáng đầu tháng 7. Khi trời mờ sáng, chị Hiếu cùng chị em trong bản chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để săn ve sữa, gồm: Cuốc, thuổng, một chiếc xô nhựa đựng nước đá và vài chiếc túi bóng to. Những nương cà phê là địa điểm để săn ve sữa. Vừa dùng tay gạt những chiếc lá khô ở gốc cây cà phê chị Hiếu vừa giải thích: Ve đẻ trứng trên thân cây cà phê, khi có mưa trứng nở thành ấu trùng rơi xuống và chui sâu vào trong đất. Bằng kinh nghiệm, người săn ve sữa có thể nhận biết chính xác được nơi ve sữa làm tổ, tổ nào có ve sữa sắp hóa vũ (lột xác để bay được), rồi dùng cuốc, thuổng đào sâu từ 15-30 cm là bắt được ve sữa. Sau đó thả ve ngay vào xô nước muối pha loãng hoặc nước đá để ve tạm chết lạnh, thân ve không bị thâm, giữ cho ve tươi lâu. Người nào chăm chỉ ½ ngày đào được từ 1 - 1,5 kg ve sữa. Trước đây, bà con săn ve sữa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, nhiều thì mang ra chợ bán, dần dần được người tiêu dùng ưa chuộng nên cứ đến mùa mưa là các gia đình trồng cà phê trong bản lại đi săn ve sữa bán cho thương lái.
Chị Hoàng Thị Hoa, bản Cượm, xã Chiềng Mung thông tin thêm: Ve sữa và ve sầu trưởng thành đều gây hại cho cây cà phê, chúng chích hút nhựa ở rễ cây, thân cây để lại các vết thương làm nấm bệnh xâm nhập nên cây chậm phát triển, còi cọc, lá vàng, rụng quả, làm giảm năng suất. Để phòng trừ rất khó khăn, nên đến mùa mưa, bà con lại đi săn ve sữa vừa bảo vệ cây trồng vừa tăng thu nhập cho gia đình lúc nông nhàn. Bắt được bao nhiêu người dân mang ra chợ bán hoặc thương lái đến tận nhà thu mua. Năm nay, ve sữa được thương lái thu mua, ướp lạnh để đổ mối cho các nhà hàng ẩm thực tại Hà Nội, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu... với giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg. Ngoài ra, nhiều người còn đi nhặt xác ve sầu để bán cho thương lái thu mua làm thuốc đông y.
Để chế biến ve sữa, chiên giòn là cách thông dụng nhất. Sau khi bắt về ve sữa được rút ruột, rửa qua bằng nước măng chua để khử mùi hôi, rồi rửa lại bằng nước muối pha loãng, để ráo vài phút. Sau khi ướp gia vị gồm mắc khén, củ sả thái nhỏ, lá chanh, muối sau đó đem chiên giòn, khi thân ve sữa chuyển màu vàng óng là món ve sữa chiên giòn đã hoàn thành. Nhiều nhà hàng sau khi rút ruột ve sữa, còn dùng 1 hạt lạc đã rang chín nhồi vào bụng ve để tăng thêm vị béo, bùi. Ve sữa chiên vàng rộm, vỏ giòn, bên trong béo ngậy, ngon ngọt, làm cho người ăn có cảm nhận lạ miệng hấp dẫn.
Dù săn ve sữa tăng thu nhập cho người dân lại giúp bảo vệ cây trồng, song người dân rất mong các cấp, các ngành hướng dẫn người trồng cà phê cách diệt ve sầu, đào bắt ve sữa để không ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng cây cà phê.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!