Mùa dâu tây ở Cò Nòi

Khoảng 8 năm trở lại đây, bà con khu Tân Thảo, xã Cò Nòi (Mai Sơn) tích cực phát triển trồng dâu tây, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều hộ thu nhập ổn định từ trồng dâu tây.

 

Người dân khu Tân Thảo, xã Cò Nòi (Mai Sơn) đóng gói dâu tây để gửi cho khách hàng.

Mới sáng sớm, những người nông dân khu Tân Thảo đã tất bật thu hoạch dâu tây, cắt cuống, xếp hộp để kịp chuyến xe sớm nhất gửi cho khách đặt hàng. Anh Nguyễn Đình Lâm, Chủ nhiệm HTX Tân Thảo cho hay: Quả dâu tươi không để được lâu nên người dân thường thu hoạch từ sáng sớm để gửi cho khách hàng ở Thành phố, các huyện trong tỉnh. Còn với khách hàng ở xa, như: Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên... người dân sẽ hái quả vào cuối buổi chiều để kịp gửi chuyến xe đêm. Trung bình một vụ, một ha sẽ được thu hoạch khoảng 7 tấn quả dâu. Hiện, dâu tây của xã Cò Nòi có mặt ở khắp các huyện, thành phố và nhiều tỉnh khu vực Tây Bắc.

Cây dâu tây ở xã Cò Nòi được trồng chủ yếu ở bản Tân Quế, Xuân Quế và tiểu khu Huổi Dương (khu Tân Thảo), hiện tổng diện tích khoảng 17 ha. Được trồng vào khoảng tháng 10 dương lịch, thời điểm cây dâu cho quả nhiều nhất là từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 4 dương lịch. Trước đây, người dân xã Cò Nòi chủ yếu trồng dâu tây nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm chăm bón nên hiệu quả không cao. Nhận thấy giá trị kinh tế từ trồng cây dâu tây và nắm bắt nhu cầu của thị trường, xã đã khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng cây dâu tây; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dâu tây; tổ chức cho bà con tham quan mô hình trồng cây dâu tây hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trồng dâu trong vùng trồng chăm sóc cây theo quy trình VietGAP, thực hiện tốt các quy định an toàn thực phẩm và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”  để sản phẩm quả dâu ngon, sạch, an toàn, tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Các hộ trồng dâu tây đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hiện khu Tân Thảo có 2 HTX gồm: HTX Tân Thảo, HTX Xuân Quế, chuẩn bị thành lập HTX Huổi Dương. Trong đó, HTX Tân Thảo thành lập tháng 5/2017 với 60 thành viên, quy mô sản xuất 7 ha áp dụng quy trình VietGAP, đang áp dụng thử nghiệm trồng trong nhà lưới 2.000 m²; sản lượng 50 tấn/năm, thu 6 tỷ đồng mỗi năm.

Tham quan mô hình trồng dâu tây theo quy trình VietGAP của gia đình anh Nguyễn Đình Lâm, bản Tân Quế. Trong khu vườn rộng hơn 2.000 m², anh trồng 4 loại dâu chính: Dâu mỹ hương, mỹ đá, nhật lùn, nhật hana. Dâu mỹ hương, mỹ đá có vị rôn rốt chua và ngọt thanh, nếu chín trong tiết trời se lạnh, quả dâu to, căng bóng, khi ăn có độ giòn. Còn giống dâu nhật lùn có vị ngọt vừa, quả mềm hơn. Được ưa chuộng hơn cả là giống dâu nhật hana, vì có vị ngọt lịm, giòn, không dễ bị dập trong quá trình vận chuyển tiêu thụ. Với giá bán trung bình từ 100 - 130 nghìn đồng/kg dâu mỹ hương, mỹ đá; từ 150 - 200 nghìn đồng/kg dâu ngọt các loại, trung bình mỗi vụ, gia đình anh thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng từ bán quả dâu tươi. Bao quanh vườn dâu, là hàng rào bằng những kệ cao tầng, trên đó xếp các chậu cây dâu cảnh, tạo khung cảnh bắt mắt, thu hút khách tham quan, chụp ảnh và hái dâu tại vườn.

Còn tại đồi dâu rộng hơn 5.000 m² của gia đình bà Nguyễn Thị Thường, Tiểu khu Hồi Dương, cây dâu tây được trồng xen với các loại cây ăn quả khác như bưởi, nhãn... Nhanh tay phân loại những quả dâu tây vừa thu hoạch, bà Thường chia sẻ: Mỗi ngày, gia đình tôi thu hoạch khoảng 20 - 30 kg dâu tươi và bán từ 10-20 chậu cây cảnh. Những ngày giáp Tết Nguyên đán khách mua lẻ, mua buôn tăng cao, tôi phải thuê thêm người thu hoạch, đóng hộp và chăm sóc cây quả. Mùa này, ngoài bán quả, cây giống, cây cảnh, chúng tôi còn học hỏi các phương pháp chế biến mứt dâu, dâu sấy khô, rượu dâu, siro dâu... để bán ra thị trường, tăng thu nhập. Bình quân mỗi vụ, gia đình thu khoảng 150 triệu đồng từ dâu tây.

Với mức thu nhập khá của người dân, mô hình trồng dâu tây ở xã Cò Nòi ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với các giống cây ăn quả, cây vụ đông khác. Để cây dâu tây ở xã phát triển bền vững, thời gian tới, các hộ trồng dâu rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trong việc đầu tư công nghệ mới để nâng cao năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm dâu tây, cũng như xây dựng và duy trì thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Lê Hạnh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới