Gia đình anh Tạ Văn Nội, bản Tiến Xa, xã Mường Bon (Mai Sơn) đã thực hiện mô hình tuần hoàn khép kín chăn nuôi gia súc - giun quế - cây trồng, không phải mua thức ăn chăn nuôi, giảm chi phí mua phân bón, tận dụng chất thải nông nghiệp, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.
Mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín của gia đình anh Tạ Văn Nội, bản Tiến Xa, xã Mường Bon (Mai Sơn).
Năm 2019, sau khi tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi tại Trại Mai Hiền 3 ở Phú Thọ, anh Nội áp dụng vào sản xuất với 5 ha cây ăn quả sẵn có, trồng thêm 2 ha cỏ, đầu tư chuồng trại nuôi 15 con trâu và 4 chuồng nuôi giun quế, tổng diện tích 120 m². Phân trâu được sử dụng nuôi giun quế và giun quế được phục vụ trồng cỏ, cây ăn quả và làm thức ăn cho trâu, không bỏ qua bất kỳ khâu sản xuất nào, tận dụng tối đa phế thải nông nghiệp vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái.
Anh Nội chia sẻ: Giun quế được nghiền nát, cứ 1 kg giun quế ủ với 4 lít rượu trong khoảng 12 tiếng, đem trộn vào cỏ cho trâu ăn. Với hàm lượng dinh dưỡng đạm cao từ giun và chất xơ từ cỏ đảm bảo dinh dưỡng trâu phát triển tốt, tăng trọng lượng 30-35kg/tháng. Phân gia súc có nguồn thức ăn từ cỏ và dịch giun không phải qua xử lý men vi sinh 15-20 ngày ủ như các loại phân gia súc và gia cầm khác, được sử dụng trực tiếp cho giun ăn, tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất.
Mỗi chuồng giun 30 m², chi phí đầu tư ban đầu chưa đến 3 triệu đồng. Mỗi chuồng giun rải đều một lớp phân trâu khoảng 10 cm, tiếp đến lớp sinh khối giun quế 10 cm. Điều kiện lý tưởng để giun quế phát triển tốt trong môi trường có nhiệt độ từ 20-30oC, độ ẩm 50-60%; các chuồng nuôi giun được quây bạt tối, có mái che, duy trì độ ẩm và nhiệt độ bằng cách tưới phân tươi cho giun ăn hàng ngày, mỗi lứa giun thu hoạch sau 15-20 ngày, 1 m² thu được 3 kg giun quế.
Năm 2020, mô hình nuôi giun quế của gia đình anh Nội cho thu 50 tấn phân, giá trị 150 triệu đồng và 8,6 tấn giun tinh để chăn nuôi. Ngoài ra, còn cung cấp ra thị trường khoảng 4 tấn sinh khối giun chăn nuôi, dịch trùn quế cho các hộ chăn nuôi, doanh thu gần 100 triệu đồng. Gia đình đã xuất chuồng 2 lứa trâu vỗ béo, lợi nhuận 320 triệu đồng và gần 300 triệu đồng từ cây ăn quả. Hiện nay, gia đình anh Nội đang tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn và cung cấp nguyên liệu sản xuất cho 7 hộ ở địa phương. Dự kiến cuối năm mở rộng thêm 10 chuồng nuôi giun quế, cung cấp nguồn giun tinh và phân trùn quế bán ra thị trường.
Kỹ sư Ngần Thị Minh Thanh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Đây là một quy trình kép kín, chi phí đầu tư thấp, dễ triển khai thực hiện, có hiệu quả, được bà con các vùng chăn nuôi áp dụng khá rộng rãi. Ở nông thôn miền núi, nơi đồng bào dân tộc có truyền thống chăn nuôi đại gia súc, gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, việc nuôi và sử dụng giun quế sẽ góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện thu nhập, hạn chế xả thải chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!