Mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ở Mai Sơn

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2020, huyện Mai Sơn đã tập trung xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thành viên HTX Nông nghiệp Tiên Sơn, xã Mường Bon (Mai Sơn) thu hoạch mướp.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lê Đình Châu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mai Sơn, cho hay: Thực hiện Nghị quyết 88 không chỉ mở hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, mà còn nâng cao vai trò, vị thế của các HTX, góp phần đẩy nhanh tiến trình xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Hiện nay, huyện có 17/36 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, doanh thu trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương như các HTX Diệp Sơn, Hoàng Hải, Ngọc Lan (xã Hát Lót); Nông nghiệp Tiên Sơn (xã Mường Bon); Dịch vụ thương mại - nông nghiệp Thanh Sơn (xã Cò Nòi); HTX Nhãn chín muộn (xã Chiềng Mung)...

Để đưa Nghị quyết 88 vào cuộc sống, Mai Sơn ưu tiên phát triển các HTX gắn với xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tư vấn, hướng dẫn các HTX hoạt động theo Luật HTX; khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện quy trình sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm theo quy trình VietGAP. Mặt khác, tạo điều kiện cho các HTX vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp. Đặc biệt, từ nguồn vốn sự nghiệp, huyện đã hỗ trợ HTX nông nghiệp Tiên Sơn (xã Mường Bon) gần 100 triệu đồng xây dựng nhà bảo quản rau sau thu hoạch. Đồng thời, giúp các HTX quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ...

Để hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi về HTX dịch vụ thương mại - nông nghiệp Thanh Sơn (xã Cò Nòi) và được Giám đốc HTX Lê Xuân Hòa cho hay: Để có được vườn na rộng gần 30 ha, các thành viên HTX đã đi tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng na ở Đông Triều (Quảng Ninh), Chi Lăng (Lạng Sơn). Tiếp thu các quy trình kỹ thuật thụ phấn nhân tạo, chăm sóc cắt tỉa, vít cành tạo tán để trẻ hóa cây na... từ áp dụng trong thực tế sản xuất, năng suất trồng na của HTX đạt 8-10 tấn quả/năm, trừ chi phí thu lãi từ 320-400 triệu đồng/ha/năm. Đối với cây nhãn, vụ 2014-2015 HTX ghép nhãn chín muộn trên 100% diện tích, năng suất đạt 12-15 tấn/ha, doanh thu 250-300 triệu đồng/ha.

Trên cây na, HTX chỉ sử dụng thuốc sinh học. Đối với cây nhãn, khi cần phun thuốc bảo vệ thực vật, thành viên báo cáo với Ban Giám đốc và ghi sổ nhật ký để theo dõi, giám sát. Bởi vậy, sản phẩm na, nhãn của HTX đã tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài huyện. Với mục tiêu: Nâng diện tích trồng na lên 200 ha vào năm 2020, HTX đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục hồ sơ xây dựng thương hiệu sản phẩm na Thanh Sơn theo quy trình VietGAP.

Đến HTX Nông nghiệp Tiên Sơn (xã Mường Bon), chúng tôi được ông Phạm Thanh Thưởng, Giám đốc HTX thông tin: Sản phẩm rau của HTX đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng I cấp Giấy chứng nhận an toàn VietGAP, tiêu thụ khoảng 400 tấn rau xanh an toàn các loại/năm tại thị trường Thành phố Sơn La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Mai Sơn và các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội. Các thành viên HTX còn nuôi 100 con lợn nái ngoại vừa lấy giống chăn nuôi lợn thịt, vừa cung cấp giống cho thị trường, mỗi năm xuất bán hơn 100 tấn thịt lợn hơi và trên 1.000 con lợn giống. Sản phẩm chăn nuôi của HTX không có dư lượng hóa chất và chất cấm. Hiện 100% thành viên có mức sống từ trung bình khá trở lên, trong đó 75% thành viên khá và giàu, với mức thu nhập bình quân từ 150-200 triệu đồng/năm. HTX còn xây dựng đề án đề nghị huyện cho phép mở rộng thêm 16 ha rau an toàn tại bản Mé và bản TĐC Mai Quỳnh.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 88 ở Mai Sơn, không thể không nhắc đến một số công ty, doanh nghiệp đã và đang thực hiện quy trình sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đó là Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký hợp đồng với 5.000 hộ nông dân trồng 4.436 ha mía và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Sơn La tiêu thụ sản phẩm sắn của nông dân trong vùng với sản lượng gần 40.000 tấn sắn củ tươi; Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ ngô giống cho nông dân trên địa bàn...

Cụ thể hóa Nghị quyết 88, xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ở Mai Sơn đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nông dân có thu nhập cao từ sản xuất nông nghiệp, nâng cao vai trò, vị thế của các HTX trong nền kinh tế.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới