Mai Sơn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Sau 3 năm triển khai, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã có sức lan tỏa sâu rộng, tác động đến khu dân cư trên địa bàn huyện Mai Sơn. Thông qua thực hiện cuộc vận động, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh trật tự trên địa bàn bảo đảm... góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người dân bản Mé Lếch, xã Cò Nòi (Mai Sơn) trao đổi kinh nghiệm trồng mít Thái. 

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là sự nối tiếp và kế thừa từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp triển khai. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, thời gian qua, MTTQ huyện Mai Sơn và các tổ chức đoàn thể luôn phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, giúp nhau giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thông qua phong trào thi đua của các tổ chức thành viên, nhân dân các dân tộc trong huyện đã hăng hái tham gia sản xuất, điển hình là phong trào thi đua “sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở các khu dân cư. Nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng quy mô trong sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ, mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình: chăn nuôi lợn, gà theo hướng an toàn sinh học, trồng cây ăn quả như nhãn, xoài, na, bưởi, cam và rau màu... Đồng thời, phát huy hiệu quả các mô hình: “5 không, 3 sạch gắn với bảo vệ môi trường”, câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; mô hình “Đoạn đường Thanh niên tự quản”,  “Thắp sáng đường quê” của Đoàn Thanh niên...

Cùng với đó, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, Mặt trận Tổ quốc đã vận động nhân dân tham gia các tổ hợp tác, thành lập và duy trì hoạt động hợp tác xã kiểu mới, từng bước xây dựng thương hiệu nông dân sản xuất hàng hóa đặc trưng. Toàn huyện hiện có 99 doanh nghiệp, hợp tác xã, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định cho hơn 2.250 thành viên và người lao động tại địa phương.

Phong trào văn nghệ ở tiểu khu 19, thị trấn Hát Lót duy trì thường xuyên.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo ổn định cuộc sống, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã vận động các tổ chức cá nhân, nhà hảo tâm tham gia đóng góp ủng hộ và xây dựng “Quỹ Vì người nghèo”. Từ nguồn quỹ này, trong 3 năm 2016 - 2018, đã có 50 căn nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng với tổng số tiền 1 tỷ đồng. Tình đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng dân cư cũng được thể hiện qua các hoạt động như: Giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây nhà, hỗ trợ khi bị thiên tai, hỏa hoạn... Mặt trận Tổ quốc các cấp còn huy động các nguồn lực tặng 270 suất quà cho hội viên nghèo, gia đình chính sách với tổng giá trị 130 triệu đồng. Nhờ đó, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và tăng cường. Trong đó, việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư không chỉ dừng lại ở việc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà từng phong trào đã được cụ thể hóa trong các mô hình như: Khu dân cư bảo vệ môi trường, khu dân cư ba không (không tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội); khu dân cư văn hóa an toàn giao thông... và đưa vào quy ước, hương ước bản, tiểu khu, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh ở khu dân cư. Tỷ lệ gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước, đến nay tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 81%.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã làm thay đổi diện mạo của các địa phương, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Kết quả đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống ước còn 21,35%; số khu dân cư văn hóa đạt 22,48%, hộ gia đình văn hóa đạt 79%; 100% xã, thị trấn có trạm y tế, tuyên truyền thu hút được 98,8% người dân có thẻ và tham gia các hình thức bảo hiểm y tế...

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới