Mai Sơn triển khai nhiều mô hình kinh tế tại các điểm TĐC

Thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, huyện Mai Sơn đã đón 930 hộ từ huyện Quỳnh Nhai về tái định cư tập trung tại 8 khu, 19 điểm và 17 điểm tái định cư xen ghép. Những năm qua, huyện Mai Sơn đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế tại các điểm tái định cư, đảm bảo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ dân nhằm ổn định cuộc sống và phát triển lâu dài, bền vững.

Người dân điểm tái định cư Noong Luông, xã Cò Nòi, Mai Sơn thu hoạch đậu tương. 

UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho các hộ tái định cư, triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo đội ngũ khuyến nông cơ sở; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, như: mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn sinh sản và gà thả vườn cho hơn 900 hộ tái định cư tại các xã Mường Bon, Cò Nòi, Mường Bằng, Hát Lót, Chiềng Chăn, Chiềng Sung; xây dựng hơn 30 mô hình tự nguyện về trồng trọt, chăn nuôi như: Thâm canh lúa nước theo phương pháp SRI; thâm canh ngô, sắn bền vững trên đất dốc; chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng. Tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; bảo quản nông sản sau thu hoạch; chăn nuôi kết hợp xây bể khí sinh học làm sạch môi trường, tăng chất đốt; chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi... cho trên 4.600 lượt người dân.

Thực hiện Quyết định 1761 ngày 20/7/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục và giao chủ đầu tư thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng tái định cư thủy điện Sơn La, huyện Mai Sơn đã và đang triển khai các dự án, như: Dự án chăn nuôi lợn tại các xã: Cò Nòi, Hát Lót, Mường Bằng với 4 tiểu dự án, quy mô 4.400 con với tổng mức đầu tư 3 tỷ 600 triệu đồng. Dự án chăn nuôi gia cầm gà, vịt triển khai tại xã Cò Nòi, Mường Bon với quy mô 70.000 con, tổng vốn đầu tư 1 tỷ 420 triệu đồng. Dự án trồng rau, quả an toàn với diện tích 30 ha tại hai xã Chiềng Chung, Mường Bon, tổng mức đầu tư 2 tỷ 550 triệu đồng. Dự án trồng cây ăn quả ở xã Chiềng Mai diện tích 8 ha, tổng mức đầu tư 496 triệu đồng. Dự án cải tạo vườn tạp cho 1.612 hộ tái định cư trên toàn địa bàn, tổng vốn đầu tư 1 tỷ 612 triệu đồng. 

Đối tượng được tham gia các dự án ứng dụng công nghệ cao là các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác từ 7 hộ gia đình trở lên, có hợp đồng hợp tác với nhau và được UBND xã cấp giấy chứng nhận; các hộ tái định cư, hộ sở tại nhường đất cho các hộ TĐC có hộ khẩu hợp pháp để xây dựng điểm tái định cư, tham gia dự án cải tạo (ghép) hoặc trồng cây ăn quả giống mới, công nghệ cao. Đối với nhóm dự án sản xuất rau, quả an toàn phải đáp ứng các yêu cầu, như: Có tổng quy mô các khu vực sản xuất tối thiểu là 2ha/1 tiểu dự án; quy mô tối thiểu 1 khu vực sản xuất, đảm bảo liền khoảnh là 1.000 m2; có ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hòa tan theo công nghệ Israel hoặc đầu tư xây dựng nhà lưới để sản xuất. Nhóm dự án trồng cây ăn quả có quy mô tối thiểu là 5 ha/1 tiểu dự án; quy mô tối thiểu một khu vực sản xuất đảm bảo liền khoảnh là 5000 m2, có ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hòa tan theo công nghệ Israel. Nhóm dự án phát triển nuôi lợn thịt siêu nạc thương phẩm có tổng quy mô sản xuất tối thiểu 400 con/lứa/1 tiểu dự án; quy mô tối thiểu một điểm chuồng là 200 con/lứa. 

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Mai Sơn, cho biết: Việc hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vùng tái định cư thủy điện Sơn La nhằm nâng nhận thức của người dân, từng bước thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, phát hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, ổn định và nâng cao đời sống cho người dân vùng tái định cư. Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp, HTX và tổ hợp tác đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các vùng tái định cư; thực hiện hình thức liên kết sản xuất với các hộ dân vùng tái định cư tạo ra phương thức sản xuất mới, nâng cao thu nhập cho người dân vùng tái định cư.

Với việc tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các điểm tái định cư, huyện Mai Sơn đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình, giúp các hộ tái định cư tiếp cận được phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn, góp phần giảm áp lực về sản xuất cho lao động nông thôn, là tiền đề cơ bản để giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới