Mai Sơn tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ

Với những thuận lợi về khí hậu, đất đai, huyện Mai Sơn đã và đang phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, mang tính đặc trưng của vùng miền. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, nhiều sản phẩm nông sản của huyện đã từng bước được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, với những đòi hỏi ngày càng cao về tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế của người tiêu dùng, phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi mới cho nông nghiệp của huyện Mai Sơn.

Người dân xã Nà Bó trồng thanh long theo hướng hữu cơ.

Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo tập trung thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tăng năng suất, nâng cao giá trị canh tác. Năm 2018, diện tích cây lương thực có hạt toàn huyện đạt 23.108 ha, sản lượng gần 98.000 tấn, giảm gần 7.700 tấn so với năm 2017, sản lượng lương thực có hạt giảm là do huyện vận động bà con chuyển diện tích trồng lúa nương, ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Mai Sơn vẫn duy trì tốt diện tích cây công nghiệp, gồm 3.800 ha sắn, 55 ha chè, 4.350 ha cà phê, 6.714 ha mía... tổng sản lượng trên 550.000 tấn, đáp ứng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Đối với cây ăn quả chất lượng cao, huyện mở rộng theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, Mai Sơn hiện có gần 6.400 ha cây ăn quả, sản lượng 11.350 tấn. Bằng các biện pháp ghép cải tạo, chọn lọc giống, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Đồng thời, huyện tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức quảng bá, cấp chỉ dẫn địa lý và công nhận nhãn hiệu đối với các loại nông sản, hiện đã cấp chứng nhận 2 mã vùng cho sản xuất xoài và nhãn tại HTX Ngọc Lan và HTX nhãn chín muộn với 28,7 ha. Ngoài ra, 60 HTX trồng cây ăn quả trên địa bàn là cầu nối liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân. Trong năm 2018, huyện đã xuất khẩu 885 tấn xoài, thanh long, na, nhãn chín muộn; xuất khẩu chính ngạch trên 300 tấn quả tươi các loại sang Trung Quốc, Ả-rập Xê-út, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Cam-pu-chia, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 12 tỷ đồng. 

Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây chanh leo, Mai Sơn phối hợp với Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc tổ chức cho bà con các xã: Chiềng Sung, Mường Bon, Phiêng Pằn, Cò Nòi và Hát Lót trồng trên 165 ha chanh leo theo quy trình VietGAP. Những diện tích trồng năm đầu cũng đã cho thu hoạch, năng suất từ 8 đến 10 tấn/ha; những năm tiếp theo sản lượng sẽ tăng lên tùy theo các biện pháp chăm sóc và sinh trưởng của các loại cây. Là một trong những HTX thành lập đầu năm 2018, HTX chanh leo hữu cơ 666.28 đã chuyển đổi 12 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo. Theo anh Hờ A Trư, Giám đốc HTX, ngay khi đi vào canh tác, HTX đã ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, lựa chọn giống là cây ghép mắt chất lượng cao, xuất xứ rõ ràng; đầu tư xây dựng hệ thống tưới ẩm tự động trên đất dốc; sử dụng máy móc, thiết bị trong chăm sóc; tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Hiện tại, HTX đã được cấp chứng nhận quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký khảo sát cấp mã số vùng trồng. Nhằm tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm, HTX ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ quả chanh leo với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc.

Trong năm 2019, huyện Mai Sơn sẽ phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan liên quan của tỉnh và Tập đoàn Quế Lâm xây dựng 5 mô hình sản xuất quả theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên 25 ha, gồm: 10 ha bưởi, xoài tại xã Hát Lót; 5 ha thanh long tại xã Nà Bó; 5 ha chanh leo tại xã Phiêng Pằn và 5 ha lúa tại Cò Nòi. Để xây dựng thành công các mô hình, Mai Sơn đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả và một số cây trồng có hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường; tăng cường phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan liên quan rà soát, cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ, chứng nhận an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp, HTX; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng các mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất hữu cơ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự đồng thuận cao của người nông dân, sự nhạy bén của các doanh nghiệp, HTX,năm 2019, Mai Sơn đang chờ đón những khởi sắc mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới