Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019, huyện Mai Sơn đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao kiến thức, ý thức và trách nhiệm của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện VSATTP; kiểm tra, phát hiện và xử phạt hành chính đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm VSATTP... góp phần giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Tà Hộc (Mai Sơn) luôn đảm bảo vệ sinh ATTP.
Trên địa bàn huyện Mai Sơn hiện có 1.645 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019”, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các ngành, các thành viên và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019”; triển khai các hoạt động truyền thông, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp từng địa phương... Từ ngày 15/4/2019 - 15/5/2019, Mai Sơn đã tổ chức 196 buổi tuyên truyền cho 7.653 lượt người; phát 224 buổi truyền thanh qua loa đài; sử dụng băng rôn, khẩu hiệu và tranh áp-phích tuyên truyền chính sách pháp luật, kiến thức về ATTP, các điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân...; cung cấp gần 100 đĩa DVD và CD, tài liệu hỏi đáp về ATTP cho các xã để tuyên truyền ở các bản, tiểu khu; tổ chức kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, đề xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ông Đặng Khắc Thuật, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế, Phó Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành huyện cho biết: Đoàn liên ngành huyện và đoàn kiểm tra các xã, thị trấn đã kiểm tra 281 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Kết quả kiểm tra, chỉ có 111 cơ sở đảm bảo VSATTP. Số còn lại là chưa có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; trang thiết bị, dụng cụ chưa đảm bảo VSATTP; vi phạm điều kiện chung trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho chủ cơ sở và những người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm...
Để không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!