Mai Sơn sáp nhập các đơn vị trường học

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”, năm 2018, huyện Mai Sơn tiến hành sắp xếp lại các đơn vị trường học, nhằm tinh gọn biên chế, xây dựng môi trường học tập thân thiện, tích cực, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện.

Một tiết học của cô và trò lớp 1A Trường Tiểu học Mường Bằng (Mai Sơn).

Trước khi sáp nhập, huyện Mai Sơn có 97 đơn vị trường học và một Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện. Căn cứ tình hình thực tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn đã  tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với chính quyền địa phương, đảm bảo công tác sáp nhập các trường học trên địa bàn huyện được tiến hành thuận lợi, nhất là việc sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý và chỉ đạo chuyên môn. Ông Cà Văn Hưng, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn thông tin: Khi tiến hành sáp nhập, cán bộ quản lý của các trường hoặc tham gia sát hạch, hoặc lấy phiếu tín nhiệm để lựa chọn đủ số lượng theo quy định. Đối với cán bộ quản lý không đủ điều kiện, sau khi thi sát hạch sẽ làm công tác giảng dạy và được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn theo Quyết định đã bổ nhiệm. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường học kiện toàn sắp xếp lại bộ máy nhân sự, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ quản lý. Sau khi sáp nhập theo Nghị quyết số 19, toàn huyện có 57 đơn vị trường học (sáp nhập 73 đơn vị trường thành 33 đơn vị, giữ nguyên 24 đơn vị, giải thể trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện).

Để tìm hiểu thêm về công tác sáp nhập các đơn vị trường học ở Mai Sơn, chúng tôi về xã Chiềng Lương, được biết, ngày 1/11/2018, Trường Tiểu học Chiềng Lương 2 và Tiểu học Chiềng Lương 3 sáp nhập thành Trường Tiểu học Chiềng Lương. Sau khi sáp nhập, trường có 52 cán bộ, giáo viên, nhân viên, giảm 3 cán bộ quản lý (1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó). Thầy Đinh Văn Đồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc tổ chức sáp nhập các trường học là cố gắng lớn của huyện và ngành Giáo dục, góp phần tinh giản đội ngũ cán bộ, quản lý, nhân viên; hạn chế vận hành bộ máy cồng kềnh; nâng cao hiệu lực, trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý trong các nhà trường. Hiện nay, chúng tôi đã ổn định tổ chức bộ máy và ổn định công tác giảng dạy.

Còn tại xã Mường Bằng, Trường Tiểu học Mường Bằng 1, Mường Bằng 2 và Trường THCS Mường Bằng sáp nhập thành Trường Tiểu học - THCS Mường Bằng. Khi có quyết định sáp nhập, Ban Giám hiệu nhà trường phân công cán bộ phụ trách, cán bộ quản lý về chuyên môn theo bậc học. Bên cạnh đó, trường nhanh chóng ổn định các hoạt động, đảm bảo công tác dạy và học của giáo viên, học sinh.

Tìm hiểu được biết, do quy mô, số lượng lớp học, cán bộ, giáo viên và học sinh lớn nên quá trình sáp nhập các đơn vị trường học tại huyện Mai Sơn gặp nhiều khó khăn. Đó là, sau khi sáp nhập, có trường học lên tới 13-15 điểm trường, khoảng cách địa lý giữa các trường khá lớn, có những điểm trường cách trung tâm 20-30km, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn quản lý rộng, vì vậy công tác quản lý chỉ đạo, tổ chức chuyên môn gặp không ít khó khăn. Đơn cử như tại xã Chiềng Lương, Trường Tiểu học Chiềng Lương có hai điểm trường lớn đều chưa có hệ thống mạng internet, các điểm trường lẻ cách xa điểm trung tâm 15-20 km, do vậy việc cập nhật, trao đổi thông tin giữa các trường gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới công tác quản lý.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình sáp nhập, Cô giáo Hoàng Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Mường Bằng băn khoăn: Việc sáp nhập các trường khác bậc học cũng đòi hỏi sự linh hoạt hơn trong công tác quản lý điều hành. Hiện nay, trường đã và đang trong quá trình kiện toàn ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên, khó khăn của đơn vị là việc thành lập tổ chuyên môn, vì tổ chuyên môn đông biên chế sẽ khó trong việc tập hợp, sinh hoạt, nhất là đối với các giáo viên ở khu điểm lẻ. Đặc biệt, việc duy trì trường chuẩn của đơn vị cũng sẽ là một thách thức; sau khi sáp nhật, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên lên tới hơn 80 người,  trên 1.300 học sinh, nên cơ sở vật chất chưa đảm bảo để đáp ứng cho sinh hoạt tập thể của cán bộ, giáo viên cũng như học sinh.

Dù còn nhiều khó khăn, song việc sáp nhập giữa các đơn vị trường học nói riêng và các đơn vị công lập trên địa bàn huyện Mai Sơn nói chung đã góp phần tích cực làm tinh giản bộ máy biên chế, góp phần đổi mới công tác hành chính, giảm chi phí tài chính.  Tin rằng, với sự đầu tư được tập trung trọng điểm sẽ tạo hiệu quả, là đòn bẩy để chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện ngày càng tốt hơn.

 Lê Hạnh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới