Liên kết cùng phát triển

Với lợi thế về khí hậu, đất đai cùng nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng vườn ươm giống cây ăn quả; thâm canh, ghép mắt để tạo ra các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, để tạo đầu ra cho sản phẩm, những năm gần đây, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã (HTX), mở rộng liên kết các HTX để cùng hỗ trợ phát triển.

Thành viên HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó chăm bón vườn thanh long.

Toàn huyện Mai Sơn hiện có 99 HTX đang hoạt động, trong đó, có 80 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các hộ nông dân đã liên kết với nhau để giúp đỡ, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất, về nguồn vốn và đặc biệt là tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định, tăng thu nhập... Thông qua hình thức kinh tế hợp tác đã hình thành các chuỗi sản phẩm đa dạng, phong phú. Sau khi liên kết, các HTX trên địa bàn đã phát huy được vai trò trợ giúp kinh tế hộ phát triển, trợ giúp chính quyền cấp xã hướng dẫn bố trí cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong trồng trọt và chăn nuôi. Đặc biệt, thời gian qua, Mai Sơn đã trợ giúp xây dựng vườn ươm giống cây ăn quả tại các xã Hát Lót, Chiềng Mung; phối hợp với Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng I đánh giá VietGAP đối với 4 HTX; hướng dẫn thực hiện quy trình VietGAP đối với 5 HTX. Hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng xoài, nhãn phục vụ xuất khẩu; xây dựng và công bố thương hiệu Na Mai Sơn. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, vận động các doanh nghiệp, HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh... Chỉ tính trong năm 2018, huyện Mai Sơn đã xuất khẩu 885 tấn xoài, thanh long, na, nhãn chín muộn, trong đó, xuất khẩu chính ngạch trên 300 tấn quả tươi các loại sang Trung Quốc, Du Bai, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Cam Pu Chia, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 12 tỷ đồng.

Đơn cử như HTX Ngọc Hoàng, được thành lập từ tháng 3/2016 với mục đích liên kết các hộ dân quanh vùng trồng thanh long ruột đỏ, tạo vùng chuyên canh hàng hóa. Từ 23 thành viên ban đầu, đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã có 52 thành viên với diện tích trên 70 ha trồng thanh long ruột đỏ, trong đó có 30 ha đã cho thu hoạch; 50 ha trồng các loại cây ăn quả khác như xoài, bưởi, nhãn. Ngoài diện tích thanh long tại huyện Mai Sơn, HTX còn cung cấp giống, phân bón cho hơn 100 hộ dân ở các huyện Sông Mã, Thuận Châu để mở rộng diện tích. Để tạo điều kiện cho người dân, Ban Giám đốc HTX  đã làm việc với các xã và tuyên truyền cho người dân về hướng phát triển cây thanh long, cam kết cung cấp giống, phân bón đảm bảo chất lượng, làm theo đúng mô hình sản xuất sản phẩm sạch, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, từ nay đến năm 2025 với giá cam kết là 16.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng cho biết: Hiện, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam và Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Riêng trong năm 2018, HTX đã xuất khẩu trên 70 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường DuBai, Trung Quốc, Pháp và hơn 30 tấn cho các siêu thị ở trong nước. Hiện nay, giá bán sản phẩm thanh long ruột đỏ xuất khẩu bình quân đạt 26.000 đồng/kg, cao gấp 2,5 lần giá bán đổ ngoài thị trường. Vì vậy, mỗi ha thanh long, bình quân các hộ thu từ 200-250 triệu đồng/năm.

Còn tại xã Cò Nòi, với mục tiêu nâng cao chất lượng và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tháng 6 năm 2012, ông Lê Xuân Hòa đã liên kết với một số hộ nông dân thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thanh Sơn gồm 7 thành viên với trên 5 ha đất canh tác để trồng cây ăn quả (na, nhãn và xoài) tạo vùng chuyên canh hàng hóa. Sau hơn 6 năm hoạt động, đến nay, HTX đã có 57 thành viên với 177 ha cây ăn quả các loại; trong đó, cây na là cây trồng chủ lực với diện tích trên 107 ha, 30 ha xoài và 40 ha nhãn. Hiện nay, sản phẩm na dai của HTX đã vào được siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố lớn, đòi hỏi cao về chất lượng và hình thức như: Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Hà Nội, Thanh Hóa...

Liên kết để phát triển là hướng đi mà các hộ nông dân Mai Sơn đã và đang lựa chọn. Qua liên kết, thành lập các HTX, liên hiệp HTX đã phát huy được vai trò trợ giúp kinh tế hộ phát triển, tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động... Đồng thời, từ việc tạo mối liên kết, các sản phẩm của các HTX sẽ có cơ hội được giới thiệu, bày bán tại các cửa hàng, hệ thống siêu thị trong toàn quốc và tiến tới xuất khẩu, góp phần giúp cho sản phẩm của HTX được đến với thị trường rộng hơn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm của người nông dân...

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới