Sau hơn 7 năm thực hiện chính sách túi thuốc y tế bản của tỉnh đã giúp cho hàng nghìn lượt người dân ở xã Phiêng Cằm (Mai Sơn) được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, đặc biệt là người già, trẻ em và những người không may bị các tai nạn nhẹ trong lao động.
Y tế bản Tong Chinh, xã Phiêng Cằm hướng dẫn nhân dân sử dụng các loại thuốc chữa bệnh
Phiêng Cằm là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, với 1.375 hộ, 6.910 khẩu, thuộc 3 dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú chung sống ở 27 bản. Giao thông đi lại khó khăn, có bản cách trung tâm xã 20-25 km như: Co Muông, Huổi Thùng, Lọng Nghịu, Pú Tậu... Đó cũng là lý do người dân hạn chế được tiếp cận với dịch vụ y tế. Ngày 17/4/2009, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 271/2009/NQ-HĐND về hỗ trợ túi thuốc y tế bản, giúp nhân dân trong xã được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bác sỹ Giàng A Sang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phiêng Cằm cho biết: Từ năm 2010, các bản trong xã được hưởng chính sách túi thuốc y tế bản. Hiện, có 4 bản được cấp túi thuốc loại III (bản có từ 51-99 hộ), trị giá 2 triệu đồng/túi và 23 bản được cấp túi thuốc loại IV (bản có dưới 50 hộ), trị giá 1,5 triệu đồng/túi. Hằng năm, khi được cấp túi thuốc, Trạm Y tế thông báo cho y tế bản đến nhận. Đồng thời, hướng dẫn việc chẩn đoán các bệnh thông thường để cấp thuốc cũng như phương pháp kết hợp các loại thuốc cho y tế bản. Nhờ có túi thuốc y tế bản mà người dân từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu cúng “đuổi ma” khi ốm đau mà chủ động tìm đến y tế bản để được chẩn đoán bệnh và được cấp thuốc uống điều trị.
Qua tìm hiểu, túi thuốc y tế bản gồm 14 loại thuốc: Paracetamol, cảm xuyên hương, amoxilin, cao sao vàng… để chữa các loại bệnh thông thường như: Cảm, cúm, tiêu chảy, viêm họng, sốt... cùng với bông, băng, gạc để sơ cứu ban đầu các vết thương hở do tai nạn nhẹ trong lao động… Mỗi năm có trên 2.500 lượt bệnh nhân trong xã Phiêng Cằm nhờ đến y tế bản chẩn đoán bệnh và cấp thuốc từ túi thuốc y tế bản. Bà Tráng Thị Mỷ, 73 tuổi, bản Tong Chinh, xã Phiêng Cằm chia sẻ: Tôi hay bị đau bụng, lúc bị sốt, ho do thay đổi thời tiết. Do tuổi cao nên ít khi ra Trạm Y tế xã để khám, vì vậy tôi thường sang nhà y tế bản để xin thuốc. Mỗi lần như vậy tôi được y tế bản hướng dẫn cách uống thuốc nên bệnh nhanh khỏi.
Đang trao đổi về túi thuốc y tế bản thì anh Cứ A Sáy, y tế bản Tong Chinh nhận được cuộc điện thoại từ gia đình anh Giàng A Ly cùng bản bị thương khi sử dụng máy thái rau cho gia súc. Được anh Sáy đồng ý cho đi cùng, chúng tôi đi bộ hơn 5 km đường đất, trơn trượt, để đến gia đình đang có người bị thương. Anh Cứ nhận định do vết thương hở gây mất máu nên anh đã sát trùng, băng vết thương và nhờ người nhà đưa anh Ly đến Trạm Y tế xã để chữa trị.
Nói về hiệu quả túi thuốc y tế bản, anh Cứ A Sáy cho hay: Bản Tong Chinh có 95 hộ, cách trung tâm xã 7 km, 100% là đồng bào dân tộc Mông nên được cấp túi thuốc trị giá 2 triệu đồng. Nhờ có túi thuốc ngay tại bản tôi đã sơ cứu được cho nhiều trường hợp bị thương khi lao động trên nương và cấp thuốc kịp thời cho những người dân mắc các bệnh thông thường. Ngoài ra, tôi còn kết hợp với những đợt tiêm chủng để tuyên truyền cho bà con về túi thuốc y tế bản và các loại thuốc hiện có, kết hợp phát thuốc nếu người dân cần. Để túi thuốc y tế bản tiếp tục phát huy hiệu quả, tôi nghĩ cần có sự điều chỉnh về 14 danh mục thuốc y tế như tăng số lượng thuốc tiêu chảy, sốt, cảm cúm cho trẻ em, thêm các loại thuốc trị đau mắt, thuốc sát trùng, giảm số lượng bông, băng, gạc.
Những năm qua, túi thuốc y tế bản ở Phiêng Cằm đã phát huy hiệu quả trong sơ cứu ban đầu trước khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại các bản đặc biệt khó khăn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!