Từ lâu giống vịt Chiềng Mai, xã Chiềng Mai (Mai Sơn) nổi tiếng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, đàn vịt có số lượng ít, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, vì vậy 3 năm trở lại đây, nhiều gia đình trong xã đã phát triển đàn vịt từ quy mô nhỏ lẻ, sang nuôi vịt tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nông dân bản Hoa Sơn 2, xã Chiềng Mai (Mai Sơn) chăm sóc đàn vịt.
Nói về giống vịt Chiềng Mai, chị Nông Thanh Hoài, khuyến nông viên xã Chiềng Mai cho biết: Đây là giống vịt địa phương có từ lâu đời, được người dân duy trì và phát triển nhân đàn nuôi. Hiện, toàn xã có 15 hộ nuôi vịt theo hướng thương phẩm, tập trung ở các bản: Hoa Sơn 1, Hoa Sơn 2, Cáy Ton và Co Sâu. Vịt có đặc điểm cổ rụt, thân thấp lùn, mỏ và chân có màu vàng, cổ và đầu thường có lông khoang, con trống có lông đuôi xoăn, cổ xanh biếc. Vịt Chiềng Mai ưa môi trường sạch, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, có khả năng kháng bệnh tốt. Đa phần vịt được nuôi theo hình thức bán chăn thả.
Tìm hiểu được biết, để nuôi vịt Chiềng Mai không đòi hỏi kỹ thuật cao, sau khi ấp nở, vịt được úm từ 15 đến 20 ngày tuổi thì chuyển qua nuôi thường. Khi vịt được 60 ngày tuổi sử dụng ngô bột và cám gạo cho vịt ăn để tạo nạc. Đặc biệt, 100% các hộ chăn nuôi vịt bản Chiềng Mai không nuôi công nghiệp, nuôi nhốt, bà con tận dụng ao cá hoặc hồ nước để vịt có không gian sống rộng rãi, bơi lội, khi xuất bán thịt vịt thơm, ngon.
Là một trong những hộ nuôi vịt Chiềng Mai đầu tiên tại xã, ông Hoàng Văn Sơn, bản Cáy Ton chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu thị trường đối với vịt Chiềng Mai ngày một tăng, năm 2016, gia đình tôi vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư xây dựng chuồng và gây giống đàn vịt bố mẹ. Năm đầu tiên, gia đình xuất bán 700 con vịt thương phẩm, thu lãi 40 triệu đồng. Số tiền này trả nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng, tăng số lượng vịt bố mẹ, nuôi thêm vịt thương phẩm. Mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 2.000 con vịt, thu trên 100 triệu đồng/năm, thương lái ở thị trấn Hát Lót, Thành phố, huyện Yên Châu đến tận nhà mua vịt nên không lo đầu ra. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi thêm vịt đẻ, gà đẻ, nuôi cá để tăng thêm thu nhập.
Khác với các loại vịt thông thường, vịt Chiềng Mai có trọng lượng không lớn, trung bình chỉ từ 1,5-1,7 kg, xương nhỏ, da có màu vàng đặc trưng, thịt thơm, vị ngọt, thịt vịt mềm nhưng không bở, béo nhưng không ngán. Trò chuyện với anh Bùi Đức Duy, chủ nhà hàng vịt Chiềng Mai, phường Quyết Tâm (Thành phố), anh cho biết: Nhà hàng hoạt động được 3 năm nay, mỗi tháng tiêu thụ từ 500-600 con vịt Chiềng Mai. Nhà hàng chúng tôi lựa chọn những con vịt đạt tiêu chuẩn để chế biến các món quen thuộc như: Vịt luộc, vịt hấp, vịt nướng than hoa, vịt om sấu, vịt nấu măng... Ngoài ra, còn chế biến thêm các món phù hợp với trẻ em và người cao tuổi, như: xôi vịt, cháo vịt, vịt xào xả ớt, vịt rang riềng. Khách hàng sau khi thưởng thức đều hài lòng và tin tưởng sử dụng.
Việc duy trì và phát triển vịt Chiềng Mai theo hướng sản xuất hàng hóa đã giúp bà con xã Chiềng Mai tăng thêm nguồn thu nhập. Mong rằng trong thời gian tới, các cấp, các ngành quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt và quảng bá thương hiệu, để vịt Chiềng Mai có thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài, góp phần giảm nghèo bền vững cho bà con trong xã.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!