Đưa cây mía trở thành hàng hóa cho thu nhập cao

Mía là cây dễ thích nghi trên các loại đất đồi, bãi, kể cả những diện tích đất khô cằn không trồng được các loại cây hoa màu. Niên vụ 2017 - 2018, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đang có nhiều giải pháp để mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn toàn tỉnh, với diện tích khoảng 7.700 ha, trong đó có 2.700 ha trồng mới, duy trì chính sách thu mua ổn định, góp phần đưa cây mía thành cây hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo.

Công nhân Xí nghiệp Phân bón, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La sản xuất phân hữu cơ.

Anh Lò Văn Pản, Trưởng bản Sàng, xã Chiềng Lương (Mai Sơn), cho biết: Bản có 2 ha ruộng thâm canh lúa và hơn 50 ha đất nương. Do diện tích đất sản xuất ít nên bản tập trung vào việc vận động các hộ trồng cây mía bán cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn La. Toàn bản đang có 33 hộ trồng mía với tổng diện tích 45,4 ha. Hộ trồng nhiều 2,5 ha, sản lượng mỗi vụ khoảng 240 tấn, thu trên 205 triệu đồng. Hằng năm, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đều cử cán bộ nông vụ xuống địa bàn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tìm hiểu những mong muốn, những thuận lợi, khó khăn của nhân dân để hỗ trợ các hộ dân trồng mía, nhất là vật tư, phân bón. Cứ mỗi đợt chiến dịch chăm sóc hay trồng mới, công ty đều phối hợp với Ban chỉ đạo trồng mía từ huyện tới xã tổ chức họp, tuyên truyền, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tổ chức các buổi vận động trồng mía tại các bản, nhóm hộ trồng mía. 

Để mở rộng nguồn cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất đường và nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã và đang có nhiều hình thức phối hợp với người dân mở rộng diện tích đất trồng mía như quy hoạch, hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật...  Hàng năm, dựa vào chính sách và phương thức đầu tư phù hợp, Công ty đã đầu tư 60 đến 70 tỷ đồng giống, vật tư ứng trước, dịch vụ cho bà con đủ để thâm canh mía theo nhu cầu. Với vật tư cung ứng cho bà con trồng mía, Công ty lựa chọn sản phẩm của các nhà sản xuất có uy tín trên thị trường như: Công ty bảo vệ thực vật I Trung ương, Nông dược Việt Nam, Phân bón Sông Gianh, Tiến Nông,... để đầu tư với chất lượng tốt nhất. Công ty cũng liên kết chặt chẽ với Viện nghiên cứu chuyên ngành để cập nhật và tiếp thu các tiến bộ trong sản xuất mía; đầu tư đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ khuyến nông tại cơ sở. Tổ chức các lớp tập huấn, tham quan, học tập nâng cao trình độ tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân.Tiếp tục đầu tư bổ sung các giống mía có năng suất, chất lượng cao. Năm 2016, Công ty đã nhập từ các tỉnh miền Trung 4 giống mía Thái Lan về khảo nghiệm sản xuất gồm: LK 9211, KK3, K9594, K8892; năm 2017 khảo nghiệm các giống: LS1, QĐ93-159, Suphanburi7. Phối hợp với bộ phận kỹ thuật của các công ty phân bón tổ chức lấy mẫu đất để phân tích tại các Viện nghiên cứu; tổ chức trình diễn sử dụng bộ sản phẩm chuyên dùng cho mía tại các điểm tập trung trong vùng nguyên liệu.

Ngoài ra, Công ty còn chú trọng đến việc tư vấn cho bà con cải tạo đất. Các vùng đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng,... được Công ty hướng dẫn và đầu tư phân bùn ủ men, phân hữu cơ vi sinh, tro lò. Đến thời điểm hiện nay, phân bón chuyên dùng cho mía, phân hữu cơ cải tạo đất do Công ty đầu tư được bà con nông dân trong vùng nguyên liệu đánh giá cao. Bên cạnh đó, Công ty cũng chú trọng đầu tư máy kéo và các thiết bị kèm theo để nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong trồng mía. Hiện, đội máy cơ giới của Công ty đã phục vụ liên hoàn các khâu kỹ thuật như cày đất, rạch hàng, chăm sóc, bón phân, hỗ trợ công thu hoạch mía cuối vụ, sửa đường giao thông, hỗ trợ kinh phí phát triển diện tích, quản lý sản phẩm, hỗ trợ lãi suất một số loại vật tư, dịch vụ phục vụ cho việc trồng và thâm canh mía từ 15 đến 20 tỷ đồng/năm.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, cho biết: Vụ chế biến năm 2016-2017, Công ty chế biến gần 40 vạn tấn mía cây; sản lượng đạt 4,5 vạn tấn đường. Năm 2017-2018, Công ty đầu tư nâng cấp công suất ép 5.000 tấn mía/ngày, đồng thời tiếp tục đầu tư để ổn định sản phẩm đường tinh luyện với giá trị khoảng 220 tỷ đồng. Cam kết của Công ty là luôn duy trì chính sách thu mua ổn định, chính sách đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, lấy hiệu quả kinh tế của người dân làm gốc.

Người dân xã Cò Nòi (Mai Sơn) thu hoạch mía niên vụ 2016-2017.

Với việc phát triển vùng nguyên liệu mang tính bền vững, thể hiện bằng nhiều biện pháp thâm canh tiên tiến, các chính sách đầu tư thu mua hợp lý đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng mía, chất lượng mía tăng, diện tích vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã tăng từ 4.925 ha (năm 2015) lên 6.164 ha năm 2016, với tổng số 6.777 hộ trồng mía tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu và Thành phố. Niên vụ 2017-2018, Công ty phát triển diện tích vùng trồng mía lên khoảng 7.700 ha, trong đó có 5.000 ha lưu gốc, 2.700 ha trồng mới. Với chiến lược đúng đắn, hiệu quả, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đang ngày càng phát triển đi lên trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới