Ngay từ sáng sớm, tại Nhà văn hóa xã Hát Lót (Mai Sơn) đã có hàng chục người và các phương tiện chở vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đến để đổi lấy thực phẩm. Đây là hoạt động thí điểm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai hơn một tháng qua ở các địa phương, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần tháo gỡ những khó khăn về việc thu gom và tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ đúng cách; đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm nông sản; hoàn thành tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Cán bộ Chi cục Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh trao thực phẩm cho người dân.
Có mặt ở nhà văn hóa xã Hát Lót từ sáng sớm, bà Cầm Thị Pín và Bùi Thị Nhung cùng ở bản Yên Sơn mang theo 3 chiếc bao đựng vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đến để cân và quy đổi lấy thực phẩm. Với 32 kg vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, bà Pín và bà Nhung đã được cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đổi cho 4 gói đường, 4 gói mì chính và 4 chai dầu ăn. Cầm trên tay những sản phẩm vừa đổi được, bà Nhung phấn khởi nói: 3 ngày trước, bản thông báo hôm nay ở nhà văn hóa xã, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức đổi thực phẩm lấy vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Tôi đã cùng mấy người trong bản đi thu lượm ở dọc suối và các mương nước, những chỗ có nhiều vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi đã thu gom được nhiều, mang đến đây đổi lấy thực phẩm.
Cũng tới nhà văn hóa xã từ rất sớm, chị Lò Thị Sươi, bản Nặm Lạ mang hơn 5 kg vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đến để đổi lấy thực phẩm. Chị Sươi chia sẻ: Nhà tôi trồng 2 ha ngô, mía, tính bình quân mỗi năm cũng dùng và loại bỏ gần 1 kg vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Do thường xuyên được cán bộ tuyên truyền về tác hại của vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường, nên tôi đã để gọn vỏ bao vào một chỗ, trước đây tôi tự đốt, còn bây giờ mang đến đổi lấy thực phẩm.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích ngô, sắn, mía bằng phát triển trồng cây ăn quả, xã Hát Lót hiện có 480 ha cây ăn quả các loại. Xã đang phấn đấu tháng 12/2018 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới và tiêu chí môi trường đang khó thực hiện, do đặc điểm diện tích canh tác nông nghiệp ở xã lớn, người dân phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Trước đây, chưa có đơn vị thu gom và xử lý vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng cách, nên bao gói thuốc bảo vệ thực vật bị vứt trên đồng ruộng hoặc trôi nổi ở mương nước, dọc suối. Đặc biệt, có người dân còn tự đốt vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường và nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.
Dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cây ăn quả, ông Đào Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Hát Lót phấn khởi nói: Chương trình đổi vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật lấy thực phẩm do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức rất thiết thực, bước đầu giúp xã tháo gỡ khó khăn về tiêu chí môi trường để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, góp phần sản xuất nông sản an toàn, xây dựng thương hiệu, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật là rác thải nguy hại, được phát sinh sau quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với chất liệu chủ yếu là túi, chai bằng polime hoặc nhựa cứng. Với diện tích đất nông nghiệp lớn, mỗi năm nông dân toàn tỉnh sử dụng khoảng 700 tấn thuốc bảo vệ thực vật, tương đương 10-15 tấn vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường. Tuy nhiên những năm trước, vấn đề xử lý rác thải là vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật ở tỉnh ta chưa có cơ quan chức năng nào thực hiện, do yêu cầu phải là cơ quan chuyên ngành và có kỹ thuật xử lý rác thải độc hại đúng cách mới được thu gom và xử lý. Do vậy, UBND tỉnh đã giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh năm 2018. Để thực hiện Đề án, Chi cục đã sử dụng một phần ngân sách và huy động các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ủng hộ kinh phí để tổ chức thí điểm chương trình đổi vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật lấy thực phẩm. Do chưa có nơi tập kết, Chi cục đã mượn kho chứa của Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Sơn La ở thị trấn Hát Lót làm nơi chứa vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật và ký kết với Công ty cổ phần Công nghệ Tài nguyên Môi trường (Hà Nội) thực hiện tiêu hủy. Đồng thời, Chi cục cũng đã đặt 270 bể chứa vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật ở tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới trong tỉnh, đến nay đã thu gom được gần 6 tấn vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Chương trình đổi vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật lấy thực phẩm được Chi cục thực hiện thí điểm đợt I, từ ngày 15/8 đến ngày 15/9 ở 6 huyện: Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thành phố, đã thu về 8 tấn vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, giúp nông dân ở các xã nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp an toàn. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tổng kết, đánh giá và tiếp tục nhân rộng chương trình ở các huyện trong toàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!