Đổi thay trên những bản vùng cao ở Mai Sơn

Để giải quyết những khó khăn cho những xã, bản vùng cao của huyện Mai Sơn, nhất là giải quyết tình trạng gán nợ đất sản xuất của người dân, huyện Mai Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và đang tạo diện mạo mới cho các xã, bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

 Cán bộ Công ty cổ phần Mía đường Sơn La hướng dẫn kỹ thuật

trồng mía cho người dân bản Kết Hay, xã Phiêng Pằn.

Về bản Nà Nhụng, xã Phiêng Pằn (Mai Sơn), chứng kiến nhiều đổi thay nơi đây. Trên các triền núi, lưng đồi nhiều năm qua trồng ngô, thì nay đang thay thế bằng các cây mía, dong riềng, cây ăn quả. Chỉ hơn 12 km từ trung tâm xã đến Nà Nhụng, chúng tôi phải đi xe máy mất gần hai tiếng đồng hồ trên con đường đất với nhiều “ổ trâu, ổ voi”, nhưng cán bộ xã bảo “vẫn còn sướng chán” vì con đường mới được mở rộng năm 2016; trước đây vào Nà Nhụng phải đi cả buổi men theo đường mòn bên suối. Bản Nà Nhụng có 146 hộ dân tộc Sinh Mun thì có 110 hộ nghèo. Anh Vì Văn Lùn, một trong những hộ trong bản Nà Nhụng trồng cây ăn quả trên đất nương thay thế cây ngô, cho biết: Gia đình tôi có 1 ha đất đồi trồng ngô, nhưng nhiều năm không hiệu quả do giá ngô quá thấp; năm nay, đang trồng 250 cây bưởi da xanh, 200 cây cam đường. Chúng tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc cây ăn quả. Người dân trong bản rất mong được chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thay thế cây ngô.

Về các bản Kết Nà, Xà Cành, Kết Hay, chúng tôi gặp những hộ dân đang đi rẫy cỏ trên đất mới trồng dong riềng, trồng mía hoặc kéo vòi dẫn nước tưới cho các gốc mơ, mận, cam, quýt trên các sườn đồi. Dưới ánh chiều vàng rực, nhìn người dân cần mẫn rẫy cỏ, khiêng từng thùng nước lên những mỏm đồi để tưới cho từng gốc cây mới trồng, tôi cảm nhận được sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo của các hộ dân nơi đây. Anh Lò Văn Nghĩa, bản Kết Hay, cho biết: Gia đình tôi có gần 2 ha đất trồng ngô nhưng vẫn đói nghèo. Bây giờ, gia đình tôi chuyển hơn 6.000 m2 trồng mía niên vụ 2017-2018. Hy vọng với cây trồng này, chúng tôi không còn đói nghèo vì Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm mía cho bà con.

Tìm hiểu được biết, huyện Mai Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư huyện ủy làm Trưởng ban, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn, triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ lớn, là: Tuyên truyền, vận động; xây dựng mô hình, hỗ trợ sản xuất; đảm bảo đời sống của nhân dân và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Theo đó, trung tuần tháng 4, tại xã Phiêng Pằn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn đã tổ chức giải ngân 351 triệu đồng (không tính lãi) từ nguồn ngân sách huyện cho 60 hộ nghèo trong xã vay để mua phân bón, cây giống phục vụ sản xuất. Cùng với đó, các HTX, Trường Cao đẳng Nông lâm Sơn La, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã khảo sát, triển khai nhiều mô hình kinh tế tại xã Phiêng Pằn với 251 hộ đăng ký tham gia, cụ thể: HTX Thanh Sơn triển khai trồng 1 ha khoai sọ tại bản Vít và 3,65 ha mận hậu tại bản Ta Lúc, Phiêng Khàng. HTX Ngọc Lan trồng 3 ha bưởi da xanh tại bản Xà Cành, 2,5 ha cây sơn tra ở bản Pá Liềng, 4 ha dong riềng ở bản Kết Nà. Trường Cao đẳng Nông Lâm Sơn La triển khai 1 ha trồng cây ăn quả (bơ, bưởi da xanh, mận) tại bản Pá Po. Đặc biệt, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã khảo sát trồng mía tại nhiều xã của huyện Mai Sơn niên vụ 2017-2018, với tổng diện tích 2.500 ha, trong đó, xã Phiêng Pằn khoảng 80 ha với 207 hộ tham gia ở 7 bản: Kết Hay, Pa Nó, Nà Pồng, Ta Vắt, Pá Liềng, Pá Po, Pá Ban.

Người dân xã Phiêng Pằn, Mai Sơn trồng cây dong riềng thay thế cây ngô.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn La cho biết: Công ty mở mới vùng nguyên liệu tại các xã, bản đang gặp nhiều khó khăn; chia sẻ bằng những suất đầu tư, bố trí cán bộ nghiên cứu và đưa cây mía vào trồng hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế. Ngoài các chính sách chung đầu tư cho người dân trồng mía, Công ty sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho bà con vay để từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đồng chí Trần Đắc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Để định hướng phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân, cùng với nhiệm vụ chỉ đạo củng cố các chi bộ, các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, bản khó khăn, huyện tập trung triển khai các giải pháp để định hướng chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và huyện. Chỉ đạo Đảng ủy các xã thành lập Ban chỉ đạo xã, giao chi ủy, chi bộ, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình; thực hiện tốt các quy định về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tốn kém...

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây ngô của gia đình

anh Vì Văn Lùn, bản Nà Nhụng, xã Phiêng Pằn (Mai Sơn).

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định xã hội tại các xã, bản vùng cao, vùng khó khăn, Mai Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, hệ thống chính trị ở xã, bản gắn với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc bám nắm địa bàn, kịp thời phát hiện vướng mắc để đề xuất các phương án giải quyết hiệu quả ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày, trong việc cưới, việc tang, thực hiện nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu không phù hợp để xây dựng gia đình, bản mường ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới