Vùng đất Mường Chanh (Mai Sơn) từ lâu đã nổi tiếng về giống lúa nếp có hạt gạo to, tròn, trắng, khi xôi lên có độ dẻo thơm đặc trưng. Đó là nếp tan nhe Mường Chanh, loại nếp đặc sản được trồng trên cánh đồng phì nhiêu nằm bên bờ con suối Nặm Chanh uốn lượn.
Người dân xã Mường Chanh thu hoạch lúa nếp tan nhe.
Mường Chanh được thiên nhiên ưu đãi bởi hai nguồn nước suối bản Bông bắt nguồn từ xã Bản Lầm (Thuận Châu) và Nặm Chanh bắt nguồn từ khu vực núi cao phía nam của xã chảy về. Nguồn nước chảy qua tầng đá ngầm nên nước trong và không có đá vôi. Đất Mường Chanh tơi xốp, phì nhiêu, nên giống lúa nếp tan nhe phát triển tốt. Có người dân ở nơi khác đã từng lấy giống lúa nếp này về trồng thử, nhưng năng suất và chất lượng gạo không bằng gieo cấy tại Mường Chanh.
Nói về giống lúa này, anh Vì Văn Thủy, cán bộ khuyến nông xã Mường Chanh chia sẻ: Hiện giống lúa nếp tan nhe Mường Chanh được gieo trồng ở bản Hịa, Lọng Nặm, Nong Ten và một số bản có diện tích ruộng dọc suối Nặm Chanh, khoảng gần 30 ha, chiếm khoảng 20% diện tích ruộng của toàn xã, sản lượng hơn 120 tấn thóc/năm. Giống lúa này gieo cấy từ đầu tháng 6, sau 4-5 tháng sẽ cho thu hoạch. Quy trình trồng nếp tan đòi hỏi ruộng phải bừa, cày ải sau 1-2 tháng mới trồng; mạ phải cấy thưa, vì lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh dày. Đặc biệt, từ khi trổ bông đến khi thu hoạch, cánh đồng luôn tỏa hương thơm đặc trưng từ cây lúa, hạt thóc. Năng suất từ 4-4,5 tấn/ha, nhưng tỷ lệ gạo đạt được khi xay xát cao hơn các loại thóc khác và giá bán cũng cao hơn, nên bà con trồng chủ yếu để sử dụng trong gia đình và làm quà biếu người thân, anh em, bạn bè, đặc biệt là để dùng gói bánh chưng các dịp lễ, tết.
Xôi đồ từ gạo nếp tan Mường Chanh bằng chõ gỗ trên bếp củi, từ sáng đến tối vẫn giữ nguyên độ dẻo, vị ngọt, mùi thơm đặc trưng, cầm trên tay không bị dính như xôi từ một số loại nếp khác, bề mặt hạt xôi có lớp dầu làm nên vị béo ngậy hấp dẫn. Hiện nếp tan Mường Chanh được bán với giá 20 nghìn đồng/kg thóc và 30 nghìn đồng/kg gạo, cao hơn so với các loại lúa nếp khác trồng trong xã. Cứ đến vụ thu hoạch, các thương lái đến tận nhà nông dân để thu mua.
Gia đình ông Lò Văn Hơn, bản Hịa (xã Mường Chanh) có 1,8 ha trồng giống nếp tan Mường Chanh và được xem là ngon nhất trong xã. Chia sẻ kinh nghiệm trồng giống lúa này, ông Hơn nói: Giống nếp tan này ở bản đã có từ lâu. Để có được hạt gạo dẻo, thơm, gia đình gieo trồng 1 vụ duy nhất, từ tháng 7 đến tháng 11 trong năm ở 2 khu ruộng rộng hơn 1,8 ha, mỗi năm thu hơn 10 tấn thóc. Thời gian còn lại, gia đình dẫn nước vào ruộng để nuôi cá, sau khi thu hoạch cá, những xác cá còn xót lại tạo chất mùn, nhờ vậy không phải bón phân cho lúa, mà thu nhập từ nuôi cá cũng khá tốt.
Nếu như trước đây, Mường Chanh có hơn 100 ha trồng giống nếp tan nhe, thì nay chỉ còn gần 30 ha. Vì vậy, để duy trì, nâng cao chất lượng của giống lúa này, xã đã vận động nhân dân thành lập 3 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất lúa nếp tan nhe ở bản Hịa, Nong Ten, Lọng Nặm. Các hợp tác xã đã quan tâm bảo vệ giống lúa đảm bảo độ thuần và chất lượng, nhằm cung cấp giống cho bà con gieo trồng. Đồng thời, hướng dẫn bà con chăm sóc, bảo quản giống lúa này. Song, Mường Chanh mong muốn được các cơ quan chuyên môn xây dựng mô hình mẫu; tổ chức hội nghị đầu bờ, đánh giá và nghiệm thu kết quả mô hình nhân rộng giống lúa này. Cũng như quảng bá, giới thiệu, tạo đầu ra sản phẩm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân và để nếp tan nhe Mường Chanh được nhiều người biết đến hơn nữa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!