Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, đây là phương châm của chúng tôi khi tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã hiểu rõ lợi ích cũng như nghĩa vụ trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cuối năm nay xã Hát Lót sẽ cán đích nông thôn mới - Đồng chí Đào Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Dân vận xã Hát Lót (Mai Sơn) đã dẫn lời dạy của Bác khi chia sẻ với chúng tôi về công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới ở xã.

 

Cán bộ xã Hát Lót (Mai Sơn) hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc, thu hoạch xoài.

 

Trò chuyện với đồng chí Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được biết, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Hát Lót đã thành lập Ban Dân vận, do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, cùng 6 thành viên là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và đại diện các đoàn thể của xã. Ban phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách nội dung tuyên truyền. Trong đó, Hội Phụ nữ gắn thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch” với tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm; Đoàn thanh niên triển khai sâu rộng phong trào “Tuổi trẻ vì cuộc sống cộng đồng” gắn với tiêu chí số 9 về nhà ở và dân cư, tập trung xóa nhà tạm cho các hộ nghèo; Hội CCB tuyên truyền tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật... Qua đó, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Xác định kinh tế phát triển là điều kiện quan trọng để hoàn thành các tiêu chí khác, Ban Dân vận xã thường xuyên phối hợp với ban quản lý các bản, tiểu khu vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là thực hiện chuyển đổi một phần diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Tại mỗi cuộc tuyên truyền, vận động đều phân tích rõ lợi ích hiệu quả của cây ăn quả; so sánh việc trồng cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp với trồng cây ăn quả để bà con thấy rõ việc cần thiết phải chuyển đổi cây trồng để có cuộc sống no ấm. Nhờ vậy, hiện nay toàn xã có trên 300 ha xoài Đài Loan, hơn 200 ha nhãn chín muộn, 50 ha bưởi da xanh, tổng sản lượng trên 10.000 tấn quả/năm. Cùng với đó, 582 ha mía được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất bình quân đạt 70 tấn/ha. Chăn nuôi cũng là một trong những thế mạnh, với hướng chăn nuôi nhốt chuồng làm hàng hóa, giúp người dân nâng cao mức sống. Nhờ vậy, thu nhập bình quân ở xã đạt 31 triệu đồng/người/năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,7%.

Cùng Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Phó trưởng Ban Dân vận xã Lò Văn Thỏa về bản Nà Tiến để vận động bà con thực hiện quy trình kỹ thuật trong thu hoạch xoài, bảo đảm chất lượng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Cảm nhận đầu tiên là nơi đây mang diện mạo của vùng quê nông thôn mới. Hai bên con đường rải nhựa là những ngôi nhà xây kiên cố cao tầng, nhà sàn lợp ngói; phóng tầm mắt ra xa là những vườn xoài, nhãn sai quả trĩu cành. Cuộc tuyên truyền diễn ra tại nhà anh Lường Thái Sơn, Bí thư Chi bộ bản, với sự có mặt của Trưởng bản và đại diện một số hộ dân, tất cả đều đồng thuận với nội dung tuyên truyền của cán bộ xã. Anh Sơn tâm đắc: Nếu tuyên truyền, vận động có tính thuyết phục sẽ nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân không chỉ trong lĩnh vực phát triển kinh tế mà trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, hiện 100% hộ dân trong bản có mức sống từ trung bình trở lên, nhiều hộ có thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm trở lên từ trồng cây ăn quả, trồng mía, chăn nuôi gia súc, gia cầm; nhiều năm liền Nà Tiến được công nhận là bản văn hóa.      

                                                                                                   

Trước khi triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, Ban Dân vận xã tăng cường về các bản tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, cũng như tuyên truyền cho bà con hiểu rõ hơn về phương châm nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm. Đồng thời, tham mưu với xã chọn bản Nà Cang xây dựng tuyến đường mẫu để nhân diện rộng trong toàn xã. Sau khi  hoàn thành, xã tổ chức cho bí thư chi bộ, ban quản lý các bản, tiểu khu về tham quan và rút kinh nghiệm để triển khai ở cơ sở mình. Nhờ vậy, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã lan rộng trong toàn xã, người dân ở tất cả các bản, tiểu khu đồng thuận hiến đất, góp công, góp tiền làm đường. Đến thời điểm này, xã Hát Lót đã bê tông được 27 km đường giao thông trục bản và đường ngõ xóm.

Thông qua thực hiện “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới” vào thứ 7 hằng tuần, Ban Dân vận cùng với các đoàn thể của xã, ban quản lý các bản, tiểu khu hướng dẫn nhân dân đào hố chứa rác thải sinh hoạt, thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, không nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh… kết hợp phân tích cho bà con thấy rõ tác dụng của việc ăn ở hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, trong thực hiện tiêu chí xóa nhà tạm, từ đầu năm đến nay đã xóa được 23 nhà tạm. Đây là kết quả chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân trong xã, trong đó phải kể đến vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã - thành viên của Ban Dân vận xã đã vận động mỗi cán bộ công chức xã đóng góp 1 ngày lương, mỗi hộ dân đóng góp 20.000 đồng, cùng với góp công lao động dựng nhà. Hiện xã Hát Lót không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Đến thời điểm này, xã Hát Lót còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Thông tin, truyền thông; hệ thống chính trị và tiêu chí về y tế. Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, cùng với làm tốt công tác dân vận, xã Hát Lót sẽ về đích nông thôn mới đúng kế hoạch đề ra.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới