Cuộc sống mới nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh

Trong những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi về Tiểu khu 6, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) - nơi cách đây 71 năm đã diễn ra Hội nghị thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Sơn La. Điều chúng tôi cảm nhận trước tiên là cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang hiện hữu nơi đây.

 

Di tích lịch sử gốc me - Nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Sơn La.

Đồng chí Bí thư Chi bộ Hoàng Thị Diêm và đồng chí Phạm Văn Canh, Tiểu khu trưởng Tiểu khu 6 (thị trấn Hát Lót) đã đưa chúng tôi đến thăm nơi đã diễn ra Hội nghị thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Từ quốc lộ 6, đi khoảng 200 m qua khu dân cư tiểu khu 6, chúng tôi đến Di tích lịch sử gốc me nằm ngay ven đồi nhìn ra dòng suối Nậm Pàn. Đường kính cây me phải hai người vòng tay ôm mới hết. Đứng trước cây me, chúng tôi có chung cảm xúc, đó là niềm tự hào về sự kiện lịch sử cách đây 71 năm - vào trung tuần tháng 10/1946, tại ngôi nhà sàn bên cạnh cây me, Hội nghị thành lập chi bộ Đảng được tổ chức bí mật dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quyết, gồm có 8 đảng viên tham dự: Trần Quyết, Bùi Thọ Chuyên, Đại Liên, Động Lực, Lò Văn Mười, Sơn Nhân, Nguyễn Văn Đức, Cầm Vang (Ngọc Tình). Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải trực tiếp lãnh đạo toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, đấu tranh chống giặc ngoại xâm... Sự kiện thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Sơn La là bước ngoặt quan trọng của cách mạng Sơn La, từ đây nhân dân các dân tộc Sơn La có sự lãnh đạo, dìu dắt trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, cùng nhân dân cả nước phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, sẵn sàng bước vào giai đoạn cách mạng mới đấu tranh giải phóng dân tộc, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ghi dấu sự kiện quan trọng này, năm 2005, cây me tại bản Hát Lót (nay là Tiểu khu 6, thị trấn Hát Lót) được UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Trong câu chuyện về xây dựng cuộc sống thời kỳ mới, chị Hoàng Thị Diêm, Bí thư Chi bộ Tiểu khu 6 không giấu niềm tự hào: Trong suốt những năm qua, Chi bộ luôn lãnh đạo nhân dân trong Tiểu khu đoàn kết xây dựng cuộc sống no ấm. Trong quá trình đó đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong các hoạt động, các phong trào phát triển kinh tế, xã hội của Tiểu khu. Hiện, thu nhập bình quân ở Tiểu khu đạt 30 triệu đồng/người/năm, chỉ còn 2,57% số hộ nghèo và cận nghèo, cuộc sống người dân khởi sắc cả về tinh thần và vật chất. Qua câu chuyện với đồng chí Bí thư Tiểu khu, chúng tôi được biết, Tiểu khu 6 có 233 hộ dân, gồm 4 dân tộc: Thái, Kinh, Tày, Mường cùng chung sống trên 44,5 ha đất tự nhiên. Trong phát triển kinh tế, các hộ dân trong tiểu khu đã khai thác lợi thế về vị trí địa lý, đó là 109 hộ dân nằm dọc quốc lộ 6 phát triển mạnh lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, như: Kinh doanh hàng tạp hóa, kim khí, may mặc, nhà hàng, nhà nghỉ, kinh doanh hàng nông sản, dịch vụ vui chơi giải trí... Thu nhập bình quân sau thuế đạt từ 9-10 triệu đồng trở lên/hộ/tháng. Tuy đất sản xuất nông nghiệp không nhiều, chỉ có 1,7 ha trồng rau màu, 3,6 ha trồng cây ăn quả các loại như: Nhãn chín muộn, na, thanh long, nhưng sản lượng rau xanh hằng năm cũng đạt gần 3 tấn rau xanh các loại; sản lượng quả các loại đạt 36,7 tấn. Cùng với đó, đàn gia súc, gia cầm cũng được bà con đầu tư phát triển khá mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng đàn gần 2.600 con. Riêng 300 đàn ong mật một năm thu trên 1 tấn mật và gần 300 kg phấn hoa... Đặc biệt, hộ gia đình các ông, bà: Lê Xuân Trường, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thị Loan, Trần Văn Mạnh, Nguyễn Hoài Nam, Lê Thị Nguyệt... phát triển trang trại cây ăn quả, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay, 10/10 tuyến đường nội tiểu khu đã được bê tông, tạo nên diện mạo mới trong mỗi khu dân cư. Đó là kết quả của việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từ việc họp dân bàn bạc, thống nhất mức đóng góp, cách làm, thanh quyết toán từng công trình công khai, minh bạch... đã tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân. Cùng với đó, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhân dân trong Tiểu khu đã thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn... nhiều năm Tiểu khu được công nhận tiểu khu văn hóa; 231/233 hộ đạt gia đình văn hóa...

Tạm biệt Tiểu khu 6, tôi đồng cảm với mong muốn của các đồng chí lãnh đạo và nhân dân trong Tiểu khu, đó là rất mong được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư tôn tạo Di tích lịch sử gốc me, để nơi này thực sự xứng tầm với lịch sử và trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới