Với mục tiêu cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn 02/BYT của Bộ Y tế cho người dân, năm 2017, Dự án “Quỹ sáng tạo phát triển khu vực tư nhân trong lĩnh vực cấp nước nông thôn” của Tổ chức Đông Tây hội ngộ và Hiệp hội nước Úc được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và gia đình ngài Burce Davis & Meg Johnson đã hỗ trợ đầu tư cho tỉnh ta 3 công trình nước sinh hoạt tập trung, gồm; hỗ trợ xây mới công trình nước sinh hoạt bản Mòng (Thành phố); sửa chữa, nâng cao chất lượng công trình nước sinh hoạt xã Nà Bó và mở rộng hệ thống mạng lưới cấp nước cho các bản: Nà Sang, bản Lầu, bản Cựm, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) với tổng nguồn vốn hỗ trợ lên tới hàng tỷ đồng.
Bà con bản Lầu, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Dự án công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bản Nà Sang, bản Lầu, bản Cựm, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) là một trong 3 công trình được triển khai từ tháng 3/2017. Công trình được thiết kế với công suất 213 m3/ngày đêm và cung cấp nước cho 209 hộ, có tổng mức đầu tư trên 2,3 tỷ đồng. Trong đó: Vốn quỹ sáng tạo phát triển khu vực tư nhân trong lĩnh vực cấp nước nông thôn trên 990 triệu đồng, còn lại vốn nhà đầu tư và nguồn vốn hợp pháp khác. Công trình gồm các hạng mục chính, như: công trình thu, tuyến ống nước thô; trạm xử lý; hệ thống mạng đường ống cấp nước bằng ống nhựa HDPE từ DN110 đến DN20 với tổng chiều dài gần 13.000 m và phụ kiện ống đồng bộ. Cùng với đó, xây dựng 9 hố van để điều tiết áp lực và lưu lượng nước trên toàn bộ mạng lưới; xây dựng mỗi hộ gia đình 1 trụ vòi gắn đồng hồ đo nước.
Với giải pháp đấu nối lắp đặt đồng hồ đo nước cho phép quản lý theo quy trình kiểm đếm bằng phần mềm Akvo trên điện thoại thông minh đã cam kết với sự tham gia của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường và Tổ chức East Meets West Foundation. Cùng với đó, việc lắp đặt các hố van điều tiết áp lực, sẽ giúp cho mạng ống đang làm việc khi xảy ra sự cố thì hố van điều tiết sẽ cắt đoạn ống ra khỏi mạng để sửa chữa, tránh thất thoát, gây gián đoạn việc cấp nước ngoài khu vực bị sự cố. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong điều hành, sản xuất nước sinh hoạt, các sự cố được kịp thời phát hiện, khắc phục, sửa chữa đảm bảo công trình phát huy hiệu quả cao và bền vững.
Công trình thực hiện theo hình thức đối tác công tư, tiến độ thực hiện nhanh, quá trình triển khai có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Mỗi bản đã thành lập Ban giám sát cộng đồng cùng với Nhà đầu tư tuyên truyền, vận động hộ dân tham gia giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thi công; giám sát thi công xây dựng; tổng hợp ý kiến của cộng đồng, phản ánh kịp thời với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh trong xây dựng như: tiến độ, chất lượng vật tư, vật liệu, công nghệ thi công và các quan hệ kinh tế, chính trị xã hội giữa nhà thầu xây dựng và nhân dân địa phương; kiểm tra, giám sát trong quá trình quản lý vận hành công trình sau đầu tư... Qua khảo sát, đánh giá, người dân hài lòng về công trình và chất lượng nước.
Mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư được đánh giá là mô hình đầu tư hiệu quả, nhất là trong việc xây dựng các công trình nước sinh hoạt. Bởi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình, trực tiếp quản lý, vận hành công trình, cơ chế hạch toán theo cơ chế thị trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 công trình với hàng trăm hộ dân được hưởng lợi từ mô hình này. Hiệu quả công trình nước sinh hoạt bản Nà Sàng, bàn Lầu và bàn Cựm, xã Chiềng Mung theo hình thức đối tác công tư cần tiếp tục nhân rộng. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh nước sạch lợi nhuận thấp, mang tính an sinh xã hội, phục vụ người dân nông thôn có thu nhập thấp. Mặt khác, chi phí sản xuất giá thành nước cao, do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động cấp nước bền vững và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư. Qua đó, người dân được hưởng lợi, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!