Những năm qua, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện trồng xen canh trên diện tích đất canh tác; từng bước tăng năng suất, chất lượng cây trồng, giúp người dân có thu nhập ổn định.
Ông Phạm Văn Khới, bản Nong Phụ, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) thu hái bưởi.
Xã Chiềng Mung hiện có 1.200 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, hơn 900 ha trồng cây lâu năm, chủ yếu là cây cà phê và các loại cây ăn quả. Trước đây, bà con trồng mía, ngô, sắn... nhưng đất bị bạc màu, mất nhiều công chăm sóc, sản lượng các loại nông sản đạt thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 1996, Công ty Chè - Cà phê Sơn La phối hợp với UBND xã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng năng suất thấp sang trồng cây cà phê. Đây là cây trồng mới nên các hộ gia đình chưa thực sự tin tưởng về hiệu quả, vì vậy, toàn xã mới trồng 20 ha. Đến năm 2000, thấy hiệu quả kinh tế từ cà phê, các hộ dân trong xã mở rộng diện tích; chia sẻ với nhau kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê đạt năng suất cao. Đồng thời, trồng cây ăn quả xen với cây cà phê, vừa che bóng mát cho cây đảm bảo cây phát triển tốt, lại có thu nhập từ các loại quả như: Mơ, mận, nhãn, xoài. Hằng năm, xã phối hợp với các công ty thu mua cà phê trên địa bàn tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cây cà phê cho bà con; Hội Nông dân xã cùng cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn, hỗ trợ bà con trồng các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương, thay thế những cây năng suất thấp.
Thấy rõ lợi ích từ việc trồng xen cây cà phê với cây ăn quả trên cùng một diện tích đất canh tác, bà con trong xã từng bước chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn trên đất dốc sang trồng cây cà phê và cây ăn quả. Năm 2016, được sự hỗ trợ của nhà nước về cây giống và theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông các bản: Co Mị, Xum 1, Nà Kẹ đã chuyển đổi 30 ha đất trồng sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả như: bưởi, nhãn, xoài. Đến nay, xã Chiềng Mung có hơn 1.500 hộ trồng cây cà phê và cây ăn quả. Năm 2017, sản lượng cà phê và cây ăn quả của xã đạt 15.762 tấn, thu gần 190 tỷ đồng. Trong đó, hơn 600 ha cây cà phê, sản lượng đạt 11.259 tấn, thu gần 80 tỷ đồng; 155 ha nhãn, đạt 2.863 tấn quả, thu 70 tỷ đồng; 67 ha xoài; 15 ha bưởi...
Chúng tôi về Thôn Hai, là một trong những thôn đi đầu chuyển đổi cây trồng ngắn ngày sang trồng cây lâu năm của xã. Trưởng thôn Phạm Hồng Sơn cho biết: Trước đây, lúa nương, mía là cây trồng đem lại thu nhập chính nhưng bà con phải mất nhiều công chăm sóc mà giá thành lại rẻ, không đem lại hiệu quả kinh tế, vì vậy, từ năm 1998, nhiều hộ chuyển sang trồng cà phê xen với cây nhãn, xoài. Hiện tại, toàn thôn có 21 ha cà phê, năm 2017 thu hoạch 420 tấn quả; 6 ha nhãn ghép, thu 120 tấn quả. Thu nhập bình quân mỗi hộ từ 120 triệu - 150 triệu đồng/năm. So với trồng lúa nương thì cây cà phê và cây ăn quả đem lại thu nhập cao hơn, kinh tế của các hộ gia đình được cải thiện, Thôn chỉ còn 2 hộ nghèo.
Ở bản Nong Phụ, nhiều hộ gia đình được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi từ việc trồng xen cây cà phê và cây ăn quả, tiêu biểu như gia đình ông Phạm Văn Khới. Chia sẻ về việc làm kinh tế của gia đình, ông Khới phấn khởi: Để giữ năng suất của cây cà phê và các loại cây ăn quả ổn định, tôi đã tìm hiểu qua sách báo; tham gia nhiều lớp tập huấn của xã, của huyện; học hỏi kinh nghiệm từ những nơi làm kinh tế hiệu quả và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Do vậy, cây ăn quả của gia đình không bị sâu bệnh nhiều, năng suất và chất lượng cao, được nhiều thương lái ưa chuộng, vào thu mua tại vườn. Với 4 ha, tổng sản lượng cà phê và cây ăn quả của gia đình trung bình từ 50 tấn/năm trở lên, trừ chi phí còn hơn 500 triệu đồng.
Phát triển sản xuất theo hình thức trồng xen cây ăn quả vào diện tích trồng cà phê đang là hướng đi phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Chiềng Mung. Qua đó, nâng cao thu nhập cho các hộ dân trong xã, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Chiềng Mung.
Huyền Trăng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!