Chiềng Dong nỗ lực phấn đấu thoát nghèo

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo còn cao (48,7%), song điều ghi nhận ở xã Chiềng Dong (Mai Sơn) là người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm thu nhập trên diện tích đất canh tác.

 

Người dân xã Chiềng Dong (Mai Sơn) thu hái cà phê.

Đồng chí Hoàng Văn Than, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 10 bản, với 661 hộ dân. Thời gian qua, xã đã triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng cây ăn quả xen cà phê; thâm canh tăng vụ; nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo làm hàng hóa; phối hợp với cán bộ của huyện và các đơn vị cung ứng giống, phân bón, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn cho nhân dân vay vốn đầu tư sản xuất, đến hết tháng 9, tổng dư nợ trên 3,6 tỷ đồng... Với trên 586 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, ngô, sắn... sản lượng bình quân đạt 680 tấn/năm. Duy trì ổn định 341 ha cây cà phê, sản lượng đạt 3.100 tấn quả tươi/năm... Bên cạnh đó, bà con còn cải tạo vườn tạp, trồng trên 61 ha cây ăn quả. Chăn nuôi được quan tâm phát triển, với 770 con trâu, bò; trên 420 con dê; 1.230 con lợn trên 2 tháng tuổi; hơn 10.900 con gia cầm các loại. Bên cạnh đó, xã phối hợp với Phòng Dân tộc huyện Mai Sơn phát 3.765 kg phân đạm, 14.646 kg phân NPK cho 323 hộ nghèo được thụ hưởng theo chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; trao 10 con bò sinh sản (từ nguồn kinh phí của Chương trình 135) cho 10 hộ nghèo của bản Cọ và bản Lò Um. Xã còn vận động nhân dân trồng thí điểm 15 ha cây mắc ca xen với cây cà phê tại bản Dè và Lò Um, loại cây trồng này có tác dụng chắn gió, che bóng, giữ độ ẩm cho đất.

Tranh thủ nguồn hỗ trợ của nhà nước từ chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương thủy lợi. Trong 9 tháng năm nay, xã đã tiếp nhận trên 88 tấn xi măng, huy động nhân dân đóng góp 75 triệu đồng và hơn 300 ngày công lao động để đổ bê tông 650 m đường nội bản. Cùng với đó, công trình trụ sở UBND xã cũng được khởi công xây dựng với kinh phí đầu tư trên 5,4 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của huyện, hiện, đã hoàn thành trên 85% khối lượng công trình.

Đến thăm bản Lò Um, chúng tôi được ông Lò Văn Pọm, Bí thư Chi bộ bản, cho biết: Trước đây, bà con chủ yếu trồng ngô và lúa nương, trải qua thời gian canh tác, đất bạc màu, năng suất ngô, lúa không cao. Những năm gần đây, được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc đàn gia súc, bà con đã áp dụng vào thực tế sản xuất, năng suất cây trồng, vật nuôi đạt cao hơn. Nhờ vậy, nâng thu nhập bình quân lên 12 triệu đồng/người/năm, giảm 2,5% hộ nghèo so với năm 2016.

Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Than được biết thêm: Hiện nay, xã đang tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 3 - 4%, từng bước đưa xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn.

Hạnh Vi (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới