Chiềng Chung no ấm

Đến xã Chiềng Chung (Mai Sơn) những ngày này, dọc 2 bên đường vào trung tâm xã là những cánh đồng lúa xanh ngát; trên các nương đồi trải dài màu xanh của cây cà phê; những con đường đất dẫn vào các bản ngày nào giờ đã được bê tông hóa sạch, đẹp... Cảm nhận rõ cuộc sống của người dân nơi đây đang khởi sắc.

 

Đường về bản Nà Men, xã Chiềng Chung (Mai Sơn) được bê tông hóa.

 

Đồng chí Lò Văn Mạc, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Những năm qua, xã đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn để đầu tư phát triển sản xuất, tổng dư nợ năm 2017 gần 6 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng cây cà phê, nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo làm hàng hóa; trồng nấm... Riêng từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông huyện đã về xã tổ chức 21 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hơn 1.250 lượt người. Qua đó, bà con có kiến thức để áp dụng vào sản xuất, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trên cùng một diện tích đất canh tác.

Xã Chiềng Chung có 16 bản, với 1.289 hộ dân. Xã có trên 1.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 700 ha cà phê, sản lượng trên 9.000 tấn quả tươi/năm; hơn 167 ha lúa 2 vụ được thâm canh các loại giống lúa nếp 87, 97, BC15... sản lượng trên 830 tấn/năm; hơn 30 ha ngô, sản lượng gần 200 tấn ngô tươi/năm... Ngoài ra, còn có hơn 371 ha sơn tra, sản lượng đạt 428 tấn quả/năm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được chú trọng, với 1.094 con trâu bò, 2.083 con lợn trên 2 tháng tuổi, hơn 840 con dê, khoảng 36.100 con gia cầm... Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xã xuống còn 13,8%.

Cùng cán bộ xã đến thăm bản Mé, những ngôi nhà sàn, nhà xây kiên cố được xây dựng khang trang; ngay tại bản đã có nhiều cửa hàng tạp hóa, kinh doanh dịch vụ phục vụ nhu cầu của bà con. Ông Cầm Văn Thuận, Trưởng bản chia sẻ: Cuộc sống của 103 hộ dân trong bản đã khác xưa nhiều lắm. Đó là do đã áp dụng kỹ thuật sản xuất. Nhiều gia đình có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm, như hộ gia đình các ông: Cầm Văn Phương, Cầm Văn Cấp, Vì Văn Dim... Tỷ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn 4,8%.

Tại bản Ít Mai, chúng tôi gặp ông Lò Văn Phương, ông kể: Năm 1998, gia đình tôi bắt đầu trồng cây cà phê. Để cà phê phát triển tốt, tôi tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất của xã, huyện và áp dụng vào thực tế sản xuất, nên gần 1 ha cà phê đạt sản lượng 10 tấn quả tươi/năm. Ngoài ra, 1.000 m2 lúa 2 vụ, sản lượng hơn 3 tạ thóc/năm. Gia đình tôi còn mở cửa hàng buôn bán các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Từ các nguồn trên, thu nhập bình quân của gia đình gần 200 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch phát triển kinh tế ở xã trong thời gian tới, đồng chí Lò Văn Mạc cho biết thêm: Cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, nhất là việc trồng xen ghép cây ăn quả vào diện tích trồng cà phê; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; phấn đấu thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở xã. Tin rằng với hướng đi đã xác định, Chiềng Chung sẽ trở thành vùng đất trù phú, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.

Hạnh Vi (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới