Những ngày cuối thu, về xã Cò Nòi (Mai Sơn) đâu đâu cũng thấy người nông dân khẩn trương làm đất, lên luống, gieo trồng các loại cây rau màu vụ đông. Nhiều năm nay, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính của bà con nơi đây, vừa tăng thêm thu nhập, vừa tạo nhiều việc làm cho lao động tại chỗ.
Nông dân tiểu khu 3, xã Cò Nòi chăm sóc rau vụ đông.
Trên vùng đất này, trước đây bà con các dân tộc chủ yếu trồng ngô, nhưng sau quá trình canh tác, đất đã bạc màu, hiệu quả kinh tế không cao (giá ngô bắp chỉ ở mức 3.200 đồng/kg, năng suất thấp khoảng 8 tấn/ha), bởi thế, phần lớn diện tích ngô đã được chuyển sang sản xuất rau màu. Trong năm, bà con luân canh trồng 3 vụ rau, nhưng vụ đông mới là vụ chính, tạo ra sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong tỉnh, mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân. Toàn xã hiện có trên 25 ha chuyên trồng rau vụ đông, với các loại: cải bắp, su hào, cà chua, cải thảo, đậu cô-ve, súp-lơ... tập trung nhiều ở các tiểu khu Bình Minh, tiểu khu 3, bản Kim Sơn, tiểu khu 3/2. Nhằm đảm bảo cung cấp rau ổn định cho thị trường, xã chỉ đạo bà con tuân thủ chặt chẽ khung thời vụ gieo trồng, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn rau sạch, an toàn.
Chúng tôi về tiểu khu Bình Minh, một trong những cơ sở trồng nhiều rau nhất xã. Trên đường đi, có nhiều xe ra vào chở rau màu đến nơi tiêu thụ. Tiểu khu Bình Minh hiện có gần 6 ha, trồng cà chua, bắp cải, su hào, cải thảo... do sản xuất đúng quy trình, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật nên mỗi ha cho thu hoạch khoảng 30 tấn rau các loại. Theo tính toán của các hộ dân trong tiểu khu, nếu giá thị trường trung bình 8.000 đồng/kg thì mỗi vụ cũng thu khoảng 60 đến 70 triệu đồng/ha. Các hộ sản xuất rau đều chủ động đầu tư mua thêm máy làm đất, lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động, vừa tiết kiệm công sức vừa nâng cao hiệu quả sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Huyền, nông dân tiểu khu 3, một trong những hộ tiên phong trồng rau vụ đông phấn khởi: Gia đình tôi trồng rau vụ đông được gần chục năm. Khu đất nhà tôi không gần kênh mương nên tôi đào giếng để chủ động nước tưới cho 1 ha rau. Cứ mỗi vụ, gia đình tôi thu khoảng 25 tấn rau các loại, trừ chi phí đầu tư lãi khoảng 70 - 75 triệu đồng/vụ. Lúc chính vụ, gia đình tôi thường xuyên phải thuê thêm 3-5 nhân công để chăm sóc, thu hoạch.
Luôn sát sao cùng nông dân bảo đảm vụ đông đạt hiệu quả, cán bộ khuyến nông xã đã phối hợp với Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con cách gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản; thông tin kịp thời nhu cầu, giá cả, thị trường... Anh Lường Văn Long, khuyến nông xã cho biết: Chúng tôi thường xuyên đến tận vườn hướng dẫn bà con cách phòng chống sương muối cho rau vụ đông, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm liều lượng, thời gian cách ly, vận động bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; định hướng trồng các loại rau đúng khung thời điểm. Các cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện cũng thường xuyên giám sát, điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh nên bà con chủ động phòng tránh, không để xảy ra thiệt hại.
Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, cho biết: Xã đang vận động bà con hình thành hợp tác xã trồng rau, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong tỉnh; chuyển đổi dần sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới đưa rau an toàn đến các cửa hàng, siêu thị lớn; khi giá thành ổn định, bà con sẽ không còn lâm vào cảnh “được mùa, mất giá”.
Nhờ duy trì sản xuất rau vụ đông, đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện đạt 24 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,1%. Kinh tế ổn định, bà con phấn khởi chung tay xây dựng xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới (hiện xã đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới).
Sản xuất rau vụ đông tiếp tục được cấp ủy, chính quyền xã Cò Nòi quan tâm, chỉ đạo duy trì và mở rộng diện tích, chủng loại, coi đây là vụ sản xuất chính, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế địa phương.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!