Cây sơn tra ở Ít Hò

Thời điểm này, trải dài trên những sườn đồi núi dốc của bản Ít Hò, xã Chiềng Chung (Mai Sơn) là những cây sơn tra sai trĩu quả, chín vàng. Được biết, sơn tra đang trở thành một trong những cây trồng chính đem lại thu nhập kép cho bà con nơi đây.

Người dân bản Ít Hò, xã Chiềng Chung (Mai Sơn) nhận giống cây sơn tra do nhà nước hỗ trợ.

Ít Hò là bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Chung, có 40 hộ dân, với trên 200 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông. Bản có trên 80 ha đất lâm nghiệp. Năm 2012, bản được nhà nước hỗ trợ cây giống sơn tra để trồng rừng phòng hộ. Với đặc điểm dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, sau 4 năm trồng, sơn tra cho thu hoạch, do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nên cây phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao. Hiện, cả bản có hơn 40 ha cây sơn tra, trong đó trên 30 ha đã cho thu hoạch, còn lại đang chăm sóc và trồng mới, sản lượng trung bình đạt 90 tấn quả/năm, giá bán tại vườn từ 3.000 - 6.000 đồng/kg. Hằng năm, cứ vào mùa thu hái sơn tra, thương lái đánh xe lên tận vườn để thu mua, nhờ đó bà con không phải chở ra ngoài bán, đỡ phần nào chi phí vận chuyển. So với năm ngoái, giá sơn tra năm nay thấp hơn, nhưng lại được mùa, nên thu nhập từ sơn tra vẫn tương đối ổn định và cao hơn so với trồng ngô, lúa.

Cây sơn tra đã mang lại thu nhập khá cho người dân và phát huy hiệu quả trong việc trồng rừng phòng hộ đầu nguồn như: giữ đất, giữ nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thêm nữa, do quả sơn tra có nhiều công dụng và chữa các loại bệnh như: khó tiêu, máu nhiễm mỡ, hạ huyết áp, mạch vành... và chế biến thành siro, rượu, ô mai... nên việc tiêu thụ loại quả này không quá khó. Cùng với đó, quả sơn tra sau khi thu hái có thể để được rất lâu, nếu bảo quản tốt, không bị dập nát thì có thể để được hàng tuần mà vẫn giữ nguyên giá trị, điều này tạo thuận lợi cho bà con khi vận chuyển. Vì vậy, người dân bản Ít Hò đã bàn nhau mở rộng diện tích cây sơn tra. Hiện, Ít Hò là một trong những bản có diện tích sơn tra lớn nhất xã Chiềng Chung, chiếm trên 10% so với tổng diện tích sơn tra của cả xã. Cùng với việc được nhà nước hỗ trợ giống cây, nhiều hộ dân trong bản đã tự ươm giống trồng vào đồi đất trống, mở rộng sản xuất gắn với bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thay đổi tập quán canh tác, du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến thăm vườn sơn tra của gia đình ông Giàng A Su, bản Ít Hò, ông chia sẻ: Vườn sơn tra của gia đình tôi rộng 3 ha đã cho thu hoạch. Năm nay, sơn tra được mùa, năng suất ước 4 - 5 tấn/ha, tuy nhiên, do giá bán thấp hơn vụ trước chỉ từ 3.000 - 6.000 đồng/kg, nên vụ năm nay gia đình ước thu hơn 40 triệu đồng.

Trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình anh Giàng A Sậu, bản Ít Hò chủ yếu là trồng ngô và lúa nương, nhưng nay  thu nhập chính lại dựa vào cây sơn tra. Hiện, gia đình anh có 2 ha cây sơn tra đã cho thu hoạch, năm nay sơn tra được mùa, sản lượng đạt hơn 9 tấn, thu trên 20 triệu đồng từ quả sơn tra.

Cây sơn tra ở bản vùng cao Ít Hò đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Để sơn tra trở thành cây trồng chủ lực ở bản Ít Hò, rất cần cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, kỹ thuật chăm sóc cây sơn tra, cách bảo quản sản phẩm cũng như tìm thị trường đầu ra ổn định, giúp người dân nơi đây thoát nghèo bền vững.

Hạnh Vi (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới