Những ngày này về bản Bó, xã Mường Bằng (Mai Sơn) chúng tôi nhận thấy màu xanh của cây ngô nếp trên những khu ruộng. Vài năm trở lại đây, cứ sau vụ lúa, dân bản lại cải tạo diện tích đất ruộng để trồng cây ngô nếp làm hàng hóa, tăng nguồn thu nhập.
Cán bộ khuyến nông xã Mường Bằng (Mai Sơn) cùng người dân bản Bó kiểm tra độ phát triển của cây ngô nếp.
Bản Bó có hơn 70 ha đất sản xuất. Trước đây, bà con trong bản sản xuất vụ lúa và vụ ngô, sau đó bỏ đất trống. Nhưng mấy năm nay, vụ đông được trồng cây ngô nếp. Anh Lường Văn Chanh, Trưởng bản Bó chia sẻ: Năm 2014, gia đình anh Lò Văn Hặc là người đầu tiên ở bản trồng cây ngô nếp. Lúc đó, gia đình anh trồng 4 kg trên 2.000 m2 đất, cho thu hơn 20 triệu đồng từ bán ngô bắp. Thấy hiệu quả lại tận dụng được quỹ đất bỏ trống nên năm 2015, Ban Quản lý bản đã tổ chức họp bản, tuyên truyền, vận động bà con cùng trồng cây ngô nếp trên diện tích đất ruộng. Để đảm bảo năng suất và chất lượng ngô, bản đã mời cán bộ khuyến nông xã về chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Đến nay, 90% số hộ trong bản đều trồng ngô nếp, toàn bản hiện có 19 ha ngô nếp vụ đông xuân.
Ngô được trồng vào thời điểm giữa hoặc cuối tháng 11, đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc phức tạp hơn so với trồng ngô lấy hạt. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con dùng máy phay đất cho tơi xốp và để gốc rơm, rạ được xới lên ủ tạo mùn. Sau đó, tưới nước cho đất ẩm và rạch luống để trồng ngô. Khi trồng, sử dụng phân bón lót NPK để bón. Mỗi vụ ngô nếp, người dân thường bón đạm 3 lần: Lần 1, bón thúc khi gieo hạt được 20 ngày; lần 2 bón sau 45 ngày khi cây đang phát triển; lần ba bón đón đòng khi bắp ngô sắp trổ cờ. Vì trồng trên diện tích đất ruộng nên đã có hệ thống kênh mương thuận tiện để bà con tưới nước cho ngô, mỗi tháng tưới từ 2-3 lần.
Thời gian thu hoạch ngô cũng ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất của bắp ngô. Thu hoạch khi vỏ còn xanh, râu ngô đã khô, hạt ngô khi bấm ra sữa, độ già của hạt khoảng 30%. Bắp ngô khi thu hoạch có độ dài từ 25-30cm, hạt ngô to và đều. Các năm trước, người dân đều phải tự chở bằng xe máy đi bán tại các khu chợ đêm trên thành phố Sơn La hoặc ngồi bán ở ven đường, với giá 2.000 - 3.000 đồng/bắp. Nhưng từ năm 2016 đến nay, số lượng ngô nếp ở bản lớn, chất lượng cao nên thu hút các thương lái từ Hà Nội vào tận ruộng thu mua. Người dân cũng phân loại bắp để bán với giá khác nhau. Nhiều gia đình chăm sóc tốt, chỉ cần 2 bắp ngô là được 1 kg, nên có gia đình trồng 1.000 m2 đất được thu 1,2 tấn ngô bắp. Anh Tòng Văn Hưởng, bản Bó cho biết: Gia đình tôi trồng 4.000 m2 đất, với 3,5 kg ngô nếp giống, năm 2017 thu hơn 20 triệu đồng ngô bắp.
Vừa cho thu hoạch bắp ngô non để bán, người dân bản Bó còn tận dụng thân cây ngô nếp còn xanh làm nguồn thức ăn tươi cho trâu, bò vào mùa đông. Vì vậy, cứ sau vụ thu hoạch, một số thương lái ở xã Chiềng Mung (Mai Sơn) vào bản mua cây ngô với giá 200 đồng/cây về ủ chua làm thức ăn dự trữ hoặc làm thức ăn hằng ngày cho gia súc. Nhờ vậy, bà con vừa có thu nhập từ bắp ngô, vừa thu từ bán cây ngô, có gia đình thu tiền triệu từ bán thân cây ngô.
Dù không phải nguồn thu nhập chính, nhưng cây ngô nếp đã giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Điều mong muốn của người dân bản Bó là có thị trường tiêu thụ ổn định để bà con nhân rộng mô hình trồng cây ngô nếp trên đất ruộng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một diện tích canh tác, tạo thêm cơ hội làm giàu cho bà con.
Huyền Trăng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!